(HNM) - Cùng với sự gia tăng các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn…, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn Thủ đô ngày càng nhiều, trong khi công tác quản lý còn bất cập. Nhằm xử lý triệt để, hiệu quả tình trạng này, ngày 31-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 922/UBND-ĐT về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
Vấn nạn đổ trộm chất thải
Ven Đại lộ Thăng Long qua địa bàn quận Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... đang tồn tại hàng trăm tấn phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề. Ông Kiều Mạnh Hùng ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cho biết, hai bên vỉa hè tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn chạy qua xã Liệp Tuyết, người dân thường xuyên đổ rác trộm. Mặc dù các hội, đoàn thể của xã thường xuyên tổ chức thu dọn nhưng chỉ được thời gian ngắn, rác thải, nhất là chất thải rắn lại chất đầy.
Tương tự, đường giao thông trong Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông), xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và trên bờ các sông Đáy, sông Nhuệ, sông Hồng... thuộc địa bàn Hà Nội đang tồn tại khối lượng lớn chất thải rắn. Ví dụ, trên bờ sông Hồng chảy qua địa bàn quận Tây Hồ đang có hàng chục điểm đổ trộm phế thải xây dựng với khối lượng lên tới hàng chục nghìn tấn. Sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn các xã Vân Côn (huyện Hoài Đức), Yên Sơn và Đại Thành (huyện Quốc Oai)... đang bị thu hẹp do phế thải xây dựng lấn dòng.
Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Bùi Thế Công, nguyên nhân của tình trạng này một phần do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế. Mặt khác, đến nay, huyện vẫn chưa có điểm tập kết chất thải rắn xây dựng, người dân không biết chở đi đâu nên đổ bừa bãi... Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin: Các đối tượng đổ trộm chất thải rất manh động và thường tiến hành vào ban đêm, ở khu vực giáp ranh nên khó xử lý. Từ năm 2020 đến nay, Công an huyện Quốc Oai đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp có hành vi đổ trộm chất thải rắn với số tiền 51,4 triệu đồng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) Đỗ Đức Thành cho biết: Ước tính khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố là 2.500-3.000 tấn/ngày. Phần lớn lượng chất thải này chưa được thu gom, xử lý mà đổ tràn lan ra nơi công cộng, gây mất mỹ quan đô thị. Hằng năm, thành phố phải tăng chi ngân sách cho công tác thu gom, xử lý nhưng tình trạng chất thải rắn đổ bừa bãi vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Tăng cường kiểm soát, quản lý
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý tình trạng đổ chất thải rắn bừa bãi nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ Trần Văn Sơn cho rằng: Đối với rác thải sinh hoạt, thành phố cần yêu cầu các huyện tăng tần suất thu gom, vận chuyển, đồng thời quy hoạch ở mỗi huyện 1-3 điểm xử lý chất thải rắn xây dựng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Thành phố đã có quy định: “Chủ đầu tư trong quá trình xin cấp phép xây dựng phải có cam kết điều kiện, yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường; có hợp đồng ký kết với nhà thầu đủ năng lực, pháp nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng, đổ đúng nơi quy định; cam kết bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, để quản lý hiệu quả chất thải rắn, các quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Thành phố yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng đổ trộm chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý...
Để xử lý triệt để vấn nạn đổ trộm chất thải rắn, ngày 31-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 922/UBND-ĐT về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố giao các sở, ngành rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn ở Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch chung.
Mặt khác, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương đưa Nhà máy Đốt rác phát điện Thiên Ý vào hoạt động, hoàn thiện kỹ thuật dự án mở rộng các ô chôn lấp rác thải tại các khu xử lý chất thải Sóc Sơn và Xuân Sơn. Đồng thời, yêu cầu các ngành liên quan sớm phê duyệt đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải đã được thành phố quy hoạch tại các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Gia Lâm để giảm tải cho các khu xử lý chất thải hiện có... Triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác quản lý chất thải rắn sẽ đi vào nền nếp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sạch đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.