Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý tận gốc vi phạm

Tiến Thành| 02/12/2017 07:40

(HNM) - Tình trạng người điều khiển xe máy đi lên đường Vành đai 3 trên cao - vốn dành riêng cho ô tô - đang diễn ra khá phổ biến. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra, đòi hỏi lực lượng chức năng có biện pháp quyết liệt để xử lý tận gốc những vi phạm này.

Ngang nhiên vi phạm

Theo chân tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm tại đường dẫn đường Vành đai 3 trên cao thuộc địa bàn quận Thanh Xuân mới thấy hết sự nguy hiểm và liều lĩnh của những người đi xe máy ngang nhiên đi vào đường cấm. Khi thấy có cảnh sát giao thông, một số trường hợp cố tình luồn lách qua xe ô tô đang lưu thông với tốc độ cao để chạy trốn.

Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp còn quay đầu xe máy, “né” cảnh sát giao thông ngay trên đường một chiều. Anh Nguyễn Quang Triệu (sinh năm 1982, trú tại huyện Thanh Trì) - một trong số trường hợp trên trần tình: Dù biết là vi phạm và nguy hiểm nhưng vì có công việc gấp nên đành liều.

Cảnh sát giao thông (CATP Hà Nội) xử lý một trường hợp vi phạm.


Thượng úy Lưu Quang Thuần, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, có rất nhiều đối tượng vi phạm đi lên đường Vành đai 3 trên cao như, người đi xe máy chở hàng, người hành nghề "xe ôm", học sinh, sinh viên đi xe máy điện... Lý do người vi phạm đưa ra chủ yếu là "có việc gấp trong khi đường Khuất Duy Tiến bị ùn tắc, không nắm rõ Luật Giao thông đường bộ"… rồi tìm cách “xin” bỏ qua vi phạm. Theo thống kê, trong tháng 11-2017, đã có hơn 30 trường hợp vi phạm được Đội phát hiện, xử lý.

Ngoài ra, hơn 2 tháng qua, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (đơn vị phụ trách địa bàn có đầu lên, xuống của đường Vành đai 3 trên cao) đã xử phạt gần 130 trường hợp điều khiển xe máy vi phạm, trong đó có ngày xử lý gần 10 trường hợp.

Trung úy Phạm Lê Biên, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, tuyến đường này có rất nhiều phương tiện ô tô lưu thông với tốc độ cao, trong khi người điều khiển xe máy tìm mọi cách luồn lách, phóng nhanh, khiến cho việc ngăn chặn, xử lý vi phạm không dễ, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ. Chưa kể, trong giờ cao điểm cũng như khi có sự cố xảy ra trên đường Vành đai 3 trên cao, lực lượng cảnh sát giao thông phải tập trung phân luồng tránh ùn tắc, giải quyết sự cố. Lợi dụng điều này, nhiều người cố tình vi phạm, ngang nhiên đi xe máy vào đường cấm.

Thực tế đã nhiều lần xảy ra việc người điều khiển xe máy đi trên đường Vành đai 3 trên cao gây ra những vụ tai nạn chết người. Gần đây nhất, vào chiều 7-10, nam thanh niên (quê ở tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe máy biển kiểm soát 36B5-832.12 chạy trên đường Vành đai 3 trên cao đến đoạn đường đối diện với tòa nhà Keangnam (khu vực quận Cầu Giấy) đã đâm vào một xe ô tô đỗ bên lề đường. Vụ tai nạn khiến nam thanh niên tử vong tại chỗ.

Điểm i, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.


Quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, các phương tiện tham gia giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao rất lớn, lực lượng chức năng không thể cắm chốt để xử lý ở phía trên mà chỉ có thể cho phương tiện đi tuần tra, ít khi dừng trên đường vì rất nguy hiểm. Khi phát hiện vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ dẫn người và phương tiện vi phạm đi sát vào lề đường, sau đó xuống phía dưới để kiểm tra, xử lý.

Hiện Đội đã triển khai ca trực từ 5h sáng, chốt chặn hai đầu lên và xuống đường Vành đai 3 trên cao tại khu vực quận Cầu Giấy. Đồng thời, bố trí thêm lực lượng vào giờ cao điểm và tập trung xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội qua trích xuất hình ảnh camera.

Thông qua việc xử lý vi phạm, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho rằng, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong thời gian qua, Đội đã phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương trên địa bàn quản lý tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, tổ chức cho người hành nghề “xe ôm” ký cam kết không bắt khách trên tuyến đường này. Quận Thanh Xuân cũng phối hợp rất tốt với lực lượng cảnh sát giao thông, tổ chức các đội công an phường, dân phòng chốt chặn tại các đầu lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao nhằm nhắc nhở, ngăn chặn và phát hiện người vi phạm.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng khuyến cáo người đi xe máy tham gia giao thông cần chấp hành các quy định giao thông đường bộ, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tận gốc vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.