Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý rác cồng kềnh: Vẫn còn nhiều bất cập

Gia Linh| 17/11/2022 05:55

(HNNN) - Tại Hà Nội, rác thải không phân loại, rác thải cồng kềnh bị vứt bừa bãi trên đường phố từ lâu đã là chuyện... “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, đó sẽ là câu chuyện không có hồi kết nếu ý thức tự giác của người dân không được nâng cao và các doanh nghiệp có chức năng thu gom rác chưa có một cơ chế xử lý hợp lý.

Các loại rác thải cồng kềnh bị vứt chỏng chơ từ ngày này sang ngày khác, gây mất vệ sinh môi trường.

Lộn xộn vì thiếu... thông tin

Cùng với rác thải sinh hoạt, hằng ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội còn phát sinh khối lượng lớn rác thải cồng kềnh khó xử lý, như bàn ghế, giường tủ hỏng, các tấm thạch cao, gỗ, nhựa bản lớn, sofa, đệm cũ, phế thải xây dựng... Tuy nhiên, thay vì được phân loại, xử lý riêng, tại nhiều nơi, những loại rác thải này lại đang được xử lý lẫn với rác thải sinh hoạt hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Nhiều trường hợp, do không được thu gom, xử lý ngay, các loại rác thải cồng kềnh này bị vứt chỏng chơ trên đường phố từ ngày này sang ngày khác, gây mất vệ sinh môi trường.

Ông Dương Ngọc Duy (ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa) phàn nàn rằng, nơi ông sống gần một bãi tập kết rác cồng kềnh tự phát. Do khó khăn trong việc vận chuyển, bốc xếp, xử lý nên thường thì các loại rác thải này không được các xe rác thu gom, vận chuyển đi ngay mà để tồn đọng tại chỗ, có thể là vài ngày cho đến vài tuần. Trong thời gian chưa được xử lý, đống rác cồng kềnh này còn được những người nhặt ve chai phá dỡ, đốt rác lấy sắt vụn hoặc gỗ mục về làm củi... Mỗi lần như vậy, khói bụi phủ khắp cả tuyến phố, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh. 

Về phía người dân, nhiều ý kiến cho rằng không hẳn là họ thiếu ý thức, mà đôi khi còn do họ thiếu thông tin, thiếu sự hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý rác công kềnh. Anh Nguyễn Huy Quang (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) bức xúc kể rằng, có lần gia đình anh định vứt 2 cái đệm lò xo đã cũ và vài chiếc ghế đã hỏng chân mà phải mất thời gian mới tìm được số điện thoại của  Công ty Môi trường đô thị của quận để nhờ xử lý. Đặc biệt, khi tìm cách liên lạc với Công ty Môi trường đô thị của quận thì mới biết, hầu hết người dân đều không biết số điện thoại cũng như địa chỉ công ty này nằm ở đâu. Thậm chí, một số người còn khuyên anh chờ thời điểm sáng sớm, đêm khuya hay nhá nhem tối thì lén mang vứt ra các bãi rác trên đường phố hoặc thuê các người nhặt ve chai, xe ba gác tới thu lượm hoặc chở đi vứt với giá từ 200.000 - 500.000 đồng... “Chỉ cần rác cồng kềnh được tiễn ra khỏi nhà, nhiều gia đình không quan tâm chúng đi đâu về đâu. Đây là lý do khiến bãi rác thải không đúng quy định mọc lên như nấm do các xe ba gác chở ra đổ... trộm” - anh Quang chia sẻ.

Bên cạnh đó, những bất cập còn đến từ phía cơ chế, chính sách bởi hiện chưa có quy định riêng cho việc xử lý rác cồng kềnh. Chị Vũ Như Thọ, nhân viên Công ty Urenco 4 cho biết, rác cồng kềnh có chất liệu rất đa dạng, từ gỗ, nhựa đến thạch cao, sắt, thép... nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp. Trong đó, nhóm rác cồng kềnh như giường, tủ, bàn, ghế... còn tương đối dễ xử lý hơn các loại như tủ lạnh, biển hộp có gắn đèn, bình nóng lạnh... Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội mới chỉ có quy định riêng đối với chất thải xây dựng, y tế... mà chưa liệt chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh vào nhóm cần được quan tâm, xử lý riêng, dẫn đến việc các loại rác có cấu kiện điện tử và cả một số chất liệu có khả năng gây độc hại hiện vẫn được xử lý chung với rác sinh hoạt.

Triển khai sớm các giải pháp phù hợp

Qua tìm hiểu, đa phần người dân đang hiểu rằng, việc thu gom rác thải cồng kềnh là trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội nên vô tư ném rác cồng kềnh ra đường, hoặc để chung vào điểm vứt rác. Chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm cho biết, lâu nay, nhiều người vẫn giữ thói quen vứt tất cả các loại đồ dùng không sử dụng chung với rác thải sinh hoạt mà không qua phân loại, và mặc định rằng việc thu gom, xử lý thuộc về trách nhiệm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội vì họ đã đóng phí. Trong khi đó, do các khu xử lý tập trung không nhận rác thải cồng kềnh chưa qua xử lý nên riêng với dạng này, công ty vệ sinh môi trường phải thực hiện thu gom bằng xe cơ giới, sau đó vận chuyển tới cơ sở nghiền, ép, tiêu tốn thêm nhiều chi phí, công sức và thời gian.

Chính vì thế, theo chị Thủy, công tác kiểm soát rác thải cồng kềnh cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các phường, quận; cần bố trí những điểm tập kết rác thải cồng kềnh để đảm bảo nhu cầu của người dân, tránh tình trạng tùy tiện, bạ đâu vứt đó. Cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp tập kết, đổ trộm phế thải sai quy định... Bên cạnh đó, theo anh Nguyễn Huy Quang, thông tin liên quan đến quy trình xử lý rác cồng kềnh cần được niêm yết thường xuyên tại bảng thông báo của các tổ dân phố, hoặc được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của phường để cho những gia đình có nhu cầu như gia đình anh đỡ phải mất công hỏi han, tìm kiếm...

Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và đặc biệt là Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nói rất rõ về việc các tập thể, cá nhân phải phân loại rác tại nguồn nhưng hiện tại, việc triển khai còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt là ý thức của người dân chưa cao. Với các loại rác cồng kềnh, hiện tượng vứt bừa bãi hoặc đổ trộm ra ao hồ, kênh, mương hay bãi đất trống vẫn diễn ra ở một số nơi. Nguyên nhân một phần là do thói quen tùy tiện của người dân, thêm vào đó là chế tài xử phạt còn chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe.

Chính vì thế, muốn hạn chế việc đổ rác thải cồng kềnh không đúng nơi quy định, chúng ta cần thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được hậu quả khi rác thải cồng kềnh không được xử lý đúng cách, cũng như nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... để tuyên truyền, vận động quần chúng xử lý rác cồng kềnh đúng quy trình, không vứt rác bừa bãi. Các hộ xây, sửa nhà, có rác cồng kềnh cần thải bỏ phải cung cấp được hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý có đủ năng lực, đồng thời áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm. Có như thế thì việc xử lý rác cồng kềnh mới không còn lộn xộn như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác cồng kềnh: Vẫn còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.