Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp: Sớm tháo gỡ khó khăn

Việt Tuấn| 26/05/2020 06:52

(HNM) - Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp. Đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội trong tháng 5-2020 cho thấy, mặc dù thành phố và các địa phương đã chú ý đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, song đến nay mới có 26 cụm có trạm xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, hoạt động của các trạm này gặp nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Đoàn công tác Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát hoạt động thực tế tại trạm xử lý nước thải tập trung ở Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

44 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay có 19/70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; 5 cụm đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa vận hành chính thức; 2 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động. 44 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nước thải từ các cơ sở sản xuất trong cụm được doanh nghiệp tự xử lý hoặc xả thẳng ra môi trường...

Qua đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy, việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải đã khó, nhưng duy trì hoạt động còn khó hơn. Điển hình như huyện Thạch Thất có 7 cụm công nghiệp, nhưng mới có Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá và Cụm công nghiệp Bình Phú có hệ thống xử lý nước thải. “Người dân sống gần cụm công nghiệp rất lo ngại trước tình hình ô nhiễm do các doanh nghiệp xả thải thẳng ra môi trường mà không xử lý”, bà Nguyễn Thị Thủy (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, Cụm công nghiệp Bình Phú mặc dù có hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý theo thiết kế là 600m3/ngày - đêm, nhưng chưa kết nối thu gom được nước thải của toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện chỉ có 10 đơn vị đấu nối, do đó việc vận hành trạm xử lý nước thải gây lãng phí và không đủ kinh phí duy trì. Trong khi đó, Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá đã có hệ thống xử lý nước thải từ năm 2010 nhưng công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp. “Trạm xử lý nước thải tại đây chỉ được thiết kế phục vụ xử lý nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất trong cụm, còn hơn 300 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể sản xuất ngành nghề khác thì không xử lý được”, ông Nguyễn Kim Loan thông tin thêm.

Tương tự, huyện Thanh Oai cũng có 4 cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có Cụm công nghiệp Thanh Oai xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung. Trạm này có công suất thiết kế 600m3/ngày - đêm, tuy nhiên mới hoạt động với công suất khoảng 200m3/ngày - đêm và nước đầu ra của trạm có một số thông số không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Trưởng ban Quản lý dự án Coma 18 Bùi Đình Dư (đơn vị vận hành trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Thanh Oai) lý giải: “Do đơn giá xử lý nước thải được Sở Tài chính phê duyệt thấp nên nguồn thu không đủ cho chi phí vận hành trạm…”.

Khắc phục chồng chéo trong quản lý

Trước tình hình trên, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng cho rằng, trong giai đoạn đầu, công tác bảo vệ môi trường của các cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Tại những nơi đã có trạm xử lý nước thải, ngoài việc chưa xây dựng được quy chế quản lý sau đầu tư, đa số chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện nên chưa chủ động được kinh phí cho các hoạt động quản lý, dẫn tới khó khăn khi vận hành. Tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), việc quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tập trung còn giao cho cấp xã, dẫn tới hiệu quả thấp.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để tránh chồng chéo trong quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp, thành phố cần khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp từ UBND cấp huyện, xã sang các doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp...

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng nhận định, phương thức thu giá dịch vụ xử lý nước thải cụm công nghiệp không hấp dẫn nên không kêu gọi được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Vì thế, cơ quan chủ quản cần sớm phối hợp với các ngành liên quan điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023. Qua đó hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đúng quy định.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Ban sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét, giao một cơ quan làm đầu mối quản lý nhà nước về môi trường nghiên cứu về cơ chế đầu tư, kiểm soát ô nhiễm môi trường; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các sở chuyên ngành, UBND cấp huyện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường tại các cụm công nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp: Sớm tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.