(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 1398/UBND-NC về "Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đối với nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội", trong đó đề cập đến việc xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng; xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với chủ thể cố tình vi phạm... Với nội dung này, Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến đồng tình và kỳ vọng giải pháp trên sẽ góp phần hạn chế dần vi phạm.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công:
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được nâng cao, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn hiện tượng đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện Văn bản số 1398/UBND-NC của UBND thành phố, Sở sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm quy định pháp luật về quản lý, vận hành đối với chung cư cao tầng. Phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm việc công trình cao tầng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nghiên cứu quy định về hoạt động cấp nước để tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện “ngừng cấp nước” đối với công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà:
Kiên quyết xử lý công trình không khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy
Việc UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo khắc phục tồn tại, vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng là hết sức cần thiết.
Từ chỉ đạo trên, quận sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình, hạng mục công trình nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng hoặc không khắc phục tồn tại phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật phòng cháy, chữa cháy và rà soát các công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động để xử lý theo luật định.
Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Công an quận Hoàng Mai:
Sẽ làm rõ trách nhiệm những trường hợp cố tình vi phạm
Những năm qua, Công an quận Hoàng Mai quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng cháy, chữa cháy; kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho các hộ dân. Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, Công an quận sẽ chỉ đạo Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Đặc biệt, về trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm sẽ được xem xét theo đúng quy định, thậm chí là truy tố trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, chây ỳ không khắc phục tồn tại.
Chủ tịch UBND xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) Đặng Anh Phương:
An toàn tính mạng của nhân dân phải đặt lên hàng đầu
Là xã vùng ven đô thị, tốc độ đô thị hóa mạnh với 23 nhà chung cư cao tầng, hơn 20 nghìn dân, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, hỏa hoạn do hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa hoàn thiện thì hậu quả sẽ rất nặng nề. An toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải đặt lên hàng đầu.
Vì vậy theo tôi, các đơn vị liên quan cần phối hợp tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình chủ đầu tư thi công nhà cao tầng để kịp thời phát hiện tồn tại, vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay. Việc UBND thành phố có văn bản chỉ đạo khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Việt Cường, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng:
Xét xử công khai để tăng tính răn đe, phòng ngừa
Theo tôi, bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc để xảy ra vi phạm về phòng cháy, chữa cháy… thì cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức và kỹ năng thoát nạn của người dân khi có sự cố cháy, nổ. Đặc biệt, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của từng tòa nhà chung cư cũng phải được quan tâm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Quy chế hoạt động của ban quản lý, ban quản trị chung cư, công trình cao tầng... cần bổ sung cho phù hợp. Những vụ việc có dấu hiệu vi phạm cần kiên quyết xử lý nghiêm, tiến hành các biện pháp tố tụng, sớm đưa ra xét xử công khai để giáo dục, phòng ngừa và răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.