(HNM) - Tại Lễ phát động Năm an toàn giao thông 2021 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lễ hội Xuân 2021 ngày 5-1 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp ô tô, xe máy đi lên vỉa hè.
Chia sẻ với Báo Hànôimới, cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô đồng tình cao với chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, bởi thực trạng này thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường, nút giao thông vào giờ cao điểm, là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội:
Tăng cường lực lượng để tuần tra kiểm soát
Thời điểm các phương tiện (chủ yếu là xe máy) đi lên vỉa hè cũng là lúc nhiều tuyến đường, phố xảy ra ùn tắc giao thông, nên lực lượng Cảnh sát giao thông phải ưu tiên phân làn, điều tiết giao thông thay vì tập trung xử phạt. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an quận Hoàng Mai xử lý nghiêm các trường hợp đi xe trên vỉa hè.
Qua khảo sát, đội xác định có 38 điểm dễ xảy ra ùn tắc giao thông - các phương tiện, chủ yếu là xe máy hay đi xe trên vỉa hè - trên địa bàn quản lý, để thống nhất phân công lực lượng phân luồng giao thông, xử lý vi phạm. Từ đặc thù địa bàn quản lý của đội có Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Giáp Bát, ga đường sắt Giáp Bát, cầu Thanh Trì, đường trên cao, đường gom của quốc lộ 1 và nhiều tuyến xe khách đường dài…, chúng tôi đã tăng cường lực lượng để tuần tra kiểm soát, đặc biệt vào giờ cao điểm, kiên quyết xử lý các trường hợp đi xe trên vỉa hè.
Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy):
Chủ động phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm
Người dân đi xe gắn máy, mô tô lên vỉa hè để tránh tắc đường không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người đi bộ. Trước thực trạng đó, việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đi xe máy trên vỉa hè là hết sức cần thiết. Với đặc thù có nhiều tuyến phố với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nên trên địa bàn phường cũng không tránh khỏi hiện tượng này.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông với trách nhiệm của chính quyền sở tại, UBND phường đã xây dựng phương án và chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn chủ động phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp đi xe máy trên vỉa hè, trả lại không gian an toàn cho người đi bộ.
Luật sư Lại Huy Phát, Văn phòng luật sư Huy Phát, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng):
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Đi xe lên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe, bán hàng… là hành vi trái quy định pháp luật, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông cho người đi bộ. Thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Thủ đô.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố… bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Còn tại Điểm g, Khoản 3, Điều 6, hành vi tương tự đối với người điều khiển mô tô, xe máy thì bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng. Do đó, người tham gia giao thông cần nhận thức rõ hành vi đi xe trên hè phố là vi phạm pháp luật, từ đó thay đổi hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Thu Huệ, tòa R4A, chung cư Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm):
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tôi thường xuyên tham gia giao thông vào cao điểm buổi sáng và chiều tối. Đây là hai khung giờ có mật độ người tham gia giao thông lớn nhất nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại hầu khắp các tuyến đường, phố thuộc các quận nội thành. Khi ùn tắc xảy ra, lòng đường bị ken cứng bởi ô tô và xe buýt, nhiều người đã “lao” xe máy, thậm chí cả ô tô lên vỉa hè để tìm lối “đi tắt” nhanh hơn. Điều này đã gây nên tình trạng xung đột giao thông tại một số nút giao, ảnh hưởng tới người đi bộ và khiến vỉa hè nhanh xuống cấp.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, bên cạnh việc xử nghiêm người vi phạm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Phát triển giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; tăng cường phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.