Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nạn “Xe dù - bến cóc” ở Hà Nội: Cần có “thuốc đặc trị”

Dương Hiệp - Thanh Hải| 15/08/2014 06:15

(HNM) - Tình trạng xe khách chạy lòng vòng để bắt khách gây cản trở giao thông, hình thành các bến tự phát, kéo theo đó là đội ngũ

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng đến nay, kết quả chưa như mong đợi. Tình trạng "xe dù","bến cóc" vẫn ngang nhiên tồn tại, với nhiều chiêu trò nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn này cần có "liều thuốc đặc trị", đó là việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, kết hợp với nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến xe...

Muôn kiểu trá hình

Đi dọc các tuyến đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Trần Khát Chân... bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra rất nhiều xe khách chạy chậm, bắt khách đi các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định... Thậm chí, vào giờ cao điểm trên đường Giải Phóng, từ ngã ba Kim Đồng xuôi về Bến xe phía Nam, sau chốt của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), rất nhiều xe khách chạy chậm, mở cửa chào mời, dừng xe bất ngờ để đón khách... Do đường được phân thành làn ô tô xe máy nên chỉ cần một, hai xe khách ngoại tỉnh chạy chậm sẽ án ngữ hết phần đường gây ra cảnh ùn ứ. Đó là chưa kể đến việc tai nạn rất dễ xảy ra từ việc dừng đỗ bất ngờ đón khách. Còn tại Bến xe nước Ngầm, có một thực trạng là khi vừa xuất bến, nhiều xe khách chọn tuyến quay ngược vào Khu đô thị Pháp Vân để ra đường Giải Phóng bắt khách tiếp, tạo thành bến cóc ngay đầu lối vào khu đô thị này.

“Bến cóc”, “xe dù” hình thành trên đường Giải Phóng.


Dưới chân cầu vượt Ngã Tư Vọng, đoạn nối với đường Trường Chinh, từ lâu cũng đã hình thành một bến cóc. Theo ghi nhận của chúng tôi, "bến cóc" này hoạt động nhộn nhịp trong khoảng thời gian từ 4h đến 5h30 sáng. Lợi dụng lúc lực lượng CSGT chưa tuần tra, lưu lượng xe trung bình trên dưới chục chiếc, đậu thành dãy dài ngay trên đường phố vô tư đón trả khách. Riêng trong sáng 13-8, chúng tôi ghi nhận khi xe khách BKS 36M - 760… 36B-005… và hàng loạt xe khác cùng đeo BKS tỉnh Thanh Hóa đỗ thành hàng dài, kéo theo đó là hàng chục taxi, xe ôm…

Trên cung đường gần Bến xe Mỹ Đình, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Khi thực hiện bài viết, chúng tôi đã đi thực tế và nhận thấy tình trạng chạy lòng vòng của các xe gắn mác "chất lượng cao" tương đối phổ biến. Cụ thể như nhà xe Anh Huy, chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Để đón, trả khách xe khách này liên tục chạy vòng vo, dừng ngay khu vực ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương. Việc đón trả khách tùy tiện của nhà xe Anh Huy kéo theo rất nhiều xe taxi và xe ôm sẵn sàng lao ra đường tranh giành khách. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thảo, ở khu Nhân Chính, Thanh Xuân bức xúc: "Vào giờ cao điểm, khi tôi đang đón con đi học về gặp xe Anh Huy dừng trả khách giữa đường. Xe khách chưa dừng hẳn, xe taxi và xe ôm đã lao đến tranh giành khách, cả khu vực ngã tư rộng lớn Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương bỗng trở nên ồn ào, lộn xộn, nguy cơ xảy ra tai nạn cao".

Thực tế, Anh Huy không phải nhà xe duy nhất treo bảng "chất lượng cao" tự do hình thành "bến cóc" mà ngay đường Vành đai 3 trên cao, từ khu vực Pháp Vân đến các chốt lên xuống đường Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, đường Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đã hình thành nhiều "bến cóc" di động. Thậm chí, trong nội đô, khu vực trung tâm vẫn tồn tại nhiều kiểu bến xe "du kích" như muốn đi Lạng Sơn dân buôn vẫn rỉ tai ra phố Cửa Đông hoặc dưới gầm cầu Long Biên cứ gặp xe khách 16 chỗ nào đeo biển xe du lịch hỏi thăm là lên đường. Hay như muốn đi Quảng Ninh ra sau Bến xe Mỹ Đình, đi Lào Cai, Sa Pa thì xuôi về Giải Phóng để chọn nhà xe với giá cạnh tranh…

Những chiêu lách luật

Thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị 2014", thành phố Hà Nội chỉ đạo một số thay đổi trong công tác tổ chức giao thông. Cụ thể, các xe vận tải khách liên tỉnh phải đi theo đường vành đai để đưa, đón khách tại các bến và không được phép hoạt động trong khu vực nội thành. Điều này đã góp phần hạn chế sự hình thành số lượng xe dù, bến cóc trong nội đô. Thế nhưng, một số xe chạy các tuyến Hải Phòng, Lạng Sơn, xe 16 chỗ tung "chiêu" dán chữ "hỷ" trên kính, hoặc "xe đưa đón cán bộ công nhân viên" lên thành xe chạy lòng vòng, ngang nhiên quanh khu vực trung tâm để đón trả khách. Thậm chí, theo Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội CSGT số 14, nhiều chủ phương tiện còn làm giả hợp đồng chạy khách du lịch, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý.

Thêm vào đó, theo quy định, các xe khách liên tỉnh sau khi qua cầu Chương Dương chỉ được phép rẽ trái để đi theo các đường vành đai vào đón, trả khách tại các bến xe. Chính điều này đã khiến nhiều xe, khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng đã nhanh chóng thả khách ngay tại khu vực vòng xuyến trên cầu Chương Dương. Trên đường Vành đai 3 trên cao cũng vậy, tại các nút lên - xuống thường xuyên xuất hiện tình trạng đón, trả khách của các xe gắn mác "chất lượng cao". Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Thiếu úy Hoàng Ngọc Khánh, Đội CSGT số 14 (Công an thành phố HN), cho biết: "Để bắt quả tang và xử lý những xe khách dừng đỗ tùy tiện, anh em cũng gặp khó khăn do lực lượng "chim lợn" thông báo với các "xe dù". Khi tiến hành mật phục, ghi hình làm bằng chứng thì cũng chỉ bắt được một vài trường hợp còn sau đó, thấy lộ, nhiều xe chạy thẳng".

Cần những giải pháp đồng bộ

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, CATP, trong 6 tháng đầu năm 2014, riêng tại khu vực Bến xe phía Nam, đơn vị đã xử lý 1.325 trường hợp, phạt tiền gần 630 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 97 trường hợp, tạm giữ 11 trường hợp. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, khi đề cập việc xử lý tình trạng "xe dù", "bến cóc", một cán bộ Phòng CSGT cũng thẳng thắn thừa nhận, việc xử lý hiện nay chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Bởi hiện tại, khu vực nội thành chỉ có 6 bến xe gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Lương Yên và Nước Ngầm. Các bến đều trong tình trạng quá tải. Trong khi hạ tầng của bến xe hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc bố trí xe ra vào của các bến chưa hợp lý. Cụ thể, với những tuyến đường dài có tần suất nhiều như Hà Nội - Hải Phòng, Nam Định, mỗi xe chỉ có 10 - 15 phút đỗ ở bến để đón khách. Khi lượng khách chưa đủ, những xe này bắt buộc rời bến nên việc bắt khách dọc đường là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, một vấn đề cần bàn nữa là ý thức của người dân. Lâu nay, nhiều hành khách, để tiện cho mình đã không vào bến mua vé, mà đứng dọc đường vẫy xe. Chính điều này là cơ hội để xe dù hoạt động.

Để giải quyết triệt để tệ nạn xe dù bến cóc, trước mắt công an, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tụ điểm đón trả khách trái phép. Về lâu dài, để đáp ứng và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cần xây dựng thêm những bến xe khách liên tỉnh và có đủ phương tiện giao thông công cộng kết nối với khu vực nội thành... Chỉ khi nào làm được điều đó, Hà Nội mới dẹp bỏ được nạn xe dù, bến cóc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nạn “Xe dù - bến cóc” ở Hà Nội: Cần có “thuốc đặc trị”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.