(HNM) - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân đến việc nâng chế tài xử phạt; bắt buộc di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư… là những giải pháp căn cơ, cần tiến hành đồng bộ để bảo đảm chất lượng môi trường làng nghề..,
Nghề sản xuất bún, miến thường tác động tiêu cực tới môi trường làng nghề.Ảnh: Việt Hùng |
Nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép
Theo kết quả khảo sát của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khóa XIV, đúng như phản ánh của cử tri và báo chí, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề như: Ô nhiễm khí bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải, nguồn nước ở không ít nơi đến mức báo động, khiến cử tri bức xúc phản ánh.
Huyện Hoài Đức hiện có 51/53 làng có nghề, trong đó có 3 làng chế biến tinh bột gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng chất ô nhiễm cao Coliform hơn nhiều lần so với mức trung bình, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng ôxy cần thiết để ôxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật ôxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần...
Trong khi đó, việc xử lý môi trường trên địa bàn các xã hiện còn nhiều bất cập. Đơn cử, xã Dương Liễu có hơn 3.100 hộ, thì trên 2.800 hộ dân sản xuất tinh bột, làm miến và bánh kẹo. Để sản xuất ra hàng trăm tấn tinh bột, miến, mỗi ngày Dương Liễu thải ra hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống...
Tình hình ở nhiều làng nghề khác cũng không sáng sủa hơn!
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 52 nghề thủ công truyền thống thì Hà Nội có 47 nghề với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã giải quyết việc làm, tạo động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề đang bị ảnh hưởng. Hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng do chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải,...
Chưa kể, nhiều cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư, ô nhiễm môi trường là khó tránh. Đáng báo động, ở làng nghề da Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm, khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở sản xuất được thu gom chung với rác thải sinh hoạt nên không thể kiểm soát. Đã có ý kiến cho rằng, làng nghề càng phát triển thì tình trạng ô nhiễm càng gia tăng.
Nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã được xúc tiến, nhưng chưa mang lại hiệu quả mong muốn.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Dù vậy, môi trường các làng nghề đã ở mức báo động nhưng điều đáng nói là chính quyền chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. ĐBQH Đoàn Hà Nội Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội cho rằng, cần đánh giá rõ hơn kết quả các dự án xử lý ô nhiễm đã triển khai. Chủ trương đầu tư xử lý ô nhiễm tại các làng nghề là phù hợp với lòng dân, nhưng phải thường xuyên giám sát việc thực hiện, có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu thì cho rằng, trước mắt, việc tiếp tục tăng mức kinh phí bảo vệ môi trường là cần thiết; đồng thời rà soát đánh giá toàn diện, phân loại ô nhiễm từng làng nghề để có hình thức xử lý thích hợp. Về lâu dài, cần di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; nghiên cứu, quy hoạch, chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại một số làng nghề gây ô nhiễm.
Cho rằng vi phạm về môi trường tràn lan nhưng việc xử lý còn hạn chế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị nâng mức phạt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, thành phố rất quan tâm đến vấn đề môi trường, luôn tìm hướng xác định và đầu tư để nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân. Dù vậy, ô nhiễm làng nghề là một tồn tại khó giải quyết so với các loại hình khác. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi đầu tư, kết nối hạ tầng đồng bộ gặp khó khăn. Các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất làng nghề, người dân mỗi địa phương phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và nhịp nhàng vì mục tiêu phát triển bền vững.
Để từng bước khắc phục, thành phố đang tiếp tục nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù trong việc xây dựng các dự án trọng điểm; bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề gắn với nhu cầu địa phương. Đánh giá bước đầu cho thấy, mô hình xử lý nước thải tại làng mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức); hay việc thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai)… đã mang lại hiệu quả về môi trường.
Theo đó, thành phố sẽ chọn lọc, nhân rộng mô hình khả thi nhất. Đồng thời, thành phố quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề” và hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý môi trường cũng đang từng bước tiến hành, phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 2 cán bộ chuyên trách về môi trường tại cấp huyện. Để xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, không nên vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ bảo vệ môi trường. Thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đi vào đời sống. Vì vậy, bên cạnh đầu tư nguồn lực; xây dựng chế tài, TP Hà Nội sẽ có kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời nhân rộng các mô hình hay, nhân tố tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.