(HNM) - Thời gian qua, cùng với sự phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tình trạng xe thô sơ, xe tự chế chở sắt thép, vật dụng cồng kềnh lại hoành hành trên các đường phố của Hà Nội, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Loại hình phương tiện này từng gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, do đó cần có giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm...
Nỗi ám ảnh với người đi đường
Hằng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe thô sơ, tự chế nghênh ngang hòa cùng dòng xe đông đúc trên các tuyến phố. Điển hình tại các phố Đê La Thành, Nguyên Hồng, Thành Công (quận Ba Đình), do có nhiều hộ kinh doanh đồ gỗ nội thất nên thường xuyên có xe tự chế chở loại hàng hóa này giao cho khách hàng ở khắp nơi.
Trên các tuyến đường vành đai, cửa ngõ Thủ đô, như: Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; quanh khu vực có nhiều công trình đang xây dựng tại các quận, huyện: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức... cũng luôn xuất hiện các loại xe máy chở sắt, tôn thép, cửa cổng sắt, bàn ghế, tủ… Nhiều chủ xe không sắp xếp gọn gàng, chằng buộc cẩu thả... khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, bất chấp giờ cao điểm, mật độ phương tiện tăng cao, các phương tiện này vẫn ngang nhiên tham gia giao thông. Anh Hoàng Nhật Quân, ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề (quận Long Biên) chưa hết nỗi ám ảnh kể lại, cách đây một tuần, trên cầu Chương Dương xảy ra va chạm giữa 2 xe máy khiến dòng xe đi phía sau phải phanh gấp. Trong lúc đó, anh Quân đã bị một chiếc xe ba bánh tự chế lao thẳng vào, khiến xe đổ và đè lên chân. "Xe tôi bị đâm gây cong vênh, hỏng nặng phần đuôi. Được mọi người giúp đỡ tôi mới dựng xe lên được...", anh Quân kể lại.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh được ghi nhận vào khoảng 9h ngày 23-4. Theo đó, một xe máy chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân. Khi xe máy đi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng), các thanh sắt trên xe đã xiên vào một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe ô tô 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy cũng đâm vào các thanh sắt này. Hai xe ô tô hư hỏng nặng, nhưng cũng đành chịu thiệt thòi vì người chở hàng cồng kềnh không có khả năng đền bù thiệt hại...
Tăng cường kiểm tra, thu hồi xe vi phạm
Đa số xe chở hàng hóa, vật dụng cồng kềnh đều là xe thô sơ cũ nát, xe tự chế. Tuy vậy, theo Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện là xe máy, mô tô. Các phương tiện này cũng không phải kiểm định an toàn kỹ thuật... Trong khi đó, dù Chính phủ đã có quy định từ ngày 1-1-2018, mô tô, xe gắn máy cũ sử dụng sẽ bị thu hồi (Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ) nhưng lại chưa có quy định về niên hạn sử dụng nên rất khó xác định đâu là xe cũ nát, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi. Vì vậy, giải pháp trước mắt mà lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các vi phạm trên đường phố, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng có các phương án xử lý xe quá cũ nát, xe thô sơ như xử phạt vi phạm giao thông, tịch thu phương tiện… Các cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài truy cứu trách nhiệm của chủ hàng hóa - người thuê chở, nếu có hành vi chủ động, cố ý thuê phương tiện chuyên chở hàng hóa cồng kềnh trái quy định.
Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người vi phạm ngoài nộp phạt hành chính còn phải khắc phục hậu quả khi làm rơi vãi vật liệu; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn nếu gây tai nạn giao thông... Trong trường hợp gây tai nạn tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý về mặt hình sự.
Quy định là thế, song trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chủ xe gây tai nạn rồi để lại phương tiện và bỏ trốn; trong khi đó, người bị hại thường e ngại va chạm pháp lý với người chở hàng cồng kềnh vì biết phần lớn họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khó có thể đền bù được thiệt hại... Vì vậy, ngoài biện pháp tập trung xử lý vi phạm hành chính, thu hồi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng cần tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để các chủ xe không chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để xử lý dứt điểm tình trạng xe thô sơ, tự chế hoành hành như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.