Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nếu công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không được xem xét, giải quyết và xử lý kịp thời, hiệu quả thì sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Ảnh: VGP. |
Như tin đã đưa, ngày 2/5, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương ở Hà Nội có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Còn tại các đầu cầu hơn 60 tỉnh thành trên cả nước là lãnh đạo UBND và các Sở, ngành tham dự.
Giải quyết dứt điểm 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực; công tác này đã được các cấp ủy đảng, chính quyền coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục.
Những kết quả tích cực của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước những năm qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ở từng thời điểm, từng nơi, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến hết sức phức tạp; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài như Thanh tra Chính phủ đã báo cáo trong thời gian từ năm 2008 – 2011 bên cạnh việc xử lý dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%) vẫn còn lại 528 vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các ủy đảng, chính quyền và phải được giải quyết hiệu quả hơn nữa. Công tác này nếu không được xem xét, giải quyết và xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Chỉ đạo các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu cần tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài. Riêng đối với 528 vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng lập hồ sơ từng vụ việc cụ thể, từ đó thành lập Hội đồng thẩm định, đề ra các phương án xử lý với tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, giải quyết dứt điểm; đồng thời đăng tải công khai trên mạng của các cơ quan chức năng về tiến độ xử lý của các vụ việc này.
Khi đã có kết luận đối với từng vụ việc, nếu vụ việc nào chính quyền sai thì phải nhận lỗi, phải sửa; nếu người dân sai phải thuyết phục chấp hành theo pháp luật, trong đó có xem xét hỗ trợ khó khăn cho người dân.
Công khai, minh bạch, đúng luật để hạn chế khiếu kiện đất đai
Nhấn mạnh yêu cầu vì lợi ích và sự phát triển của đất nước, chúng ta phải tiếp tục thu hồi đất để làm hạ tầng và phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải công khai quy hoạch, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, thu hồi đất… trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hạn chế tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Đối với những hộ dân không chấp hành, mặc dù đã được vận động, thuyết phục, phải quyết thực hiện cưỡng chế; trong tổ chức cưỡng chế phải thực hiện theo đúng quy trình mà pháp luật đã quy định.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết hiệu quả các vụ việc ở cấp cơ sở, tránh khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên trung ương; không để xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; thông tin một cách khách quan, trung thực, tránh thông tin phiến diện, một chiều về các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Qua Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện và sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại Hội nghị, gần 20 lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát biểu tham luận. Các ý kiến khẳng định những kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; đồng thời cũng bóc tách, phân tích những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa đủ năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng với đó là nhận thức pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn bị động, thiếu chặt chẽ; một số quy định pháp luật còn bất cập nên khi giải quyết không đủ cơ sở pháp lý hoặc lúng túng trong áp dụng luật…
Trước thực tế tới 70% số vụ khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, thu hồi, giao đất, cho thuê đất… thực hiện tốt công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên tinh thần công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.
Cùng với đó, chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là đối với các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt.
Lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, chủ động phát hiện vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự để giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.