Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý ''điểm đen'' tai nạn giao thông

Tuấn Lương| 07/05/2022 06:29

(HNM) - Trong quý II-2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đặt mục tiêu tập trung xử lý dứt điểm 10/18 “điểm đen” tai nạn giao thông còn tồn đọng. Đồng thời, việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và trực gác tại 18 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt sẽ được tăng cường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn do nguyên nhân hạ tầng xuống cấp.

“Điểm đen” tai nạn giao thông trên đường Lĩnh Nam sẽ được cơ quan chức năng xử lý trong quý II-2022. Ảnh: Tuấn Khải

Tập trung giải quyết 10/18 “điểm đen”

Trong năm 2021, “điểm đen” tại đoạn từ Km38+600 đến Km38+950 khu gian đường sắt Phú Xuyên - Đồng Văn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (thuộc địa phận huyện Phú Xuyên) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người. Theo khảo sát của liên ngành Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội, một trong những nguyên nhân biến nơi đây thành “điểm đen” là do lối vào thôn Bài Lễ (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên) dù có đầy đủ biển báo hiệu nhưng không có cần chắn tự động. Lối ra đồng ruộng (phía phải tuyến) không có biển báo và sơn kẻ mặt đường. Khi lưu thông qua đây, người tham gia giao thông thiếu quan sát sẽ dễ dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đây là một trong 10 “điểm đen” được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm trong quý II-2022. Với “điểm đen” này, các đơn vị liên quan đã đề xuất phương án bổ sung biển cảnh báo, gờ giảm tốc.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố đã đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bổ sung hệ thống đèn, chuông, kết hợp duy tu vạch sơn; đóng lối mở giao cắt đường bộ với đường sắt tại Km38 + 950; nghiên cứu làm hàng rào ngăn cách khu vực dân cư với đường sắt để hạn chế người dân đi lại...

Một số “điểm đen” khác cũng được đề xuất bổ sung biển cảnh báo, gờ giảm tốc như đoạn từ số nhà 225 đến số nhà 292 đường Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng); đoạn từ Km23+100 đến Km23+410 quốc lộ 3 (huyện Sóc Sơn)…

Còn với “điểm đen” tại đoạn từ số nhà 20 đến số nhà 58 đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), do mặt đường lâu ngày chưa được cải tạo. Trên tuyến hiện có dự án hạ ngầm dây cáp nên giải pháp được cơ quan chức năng đề xuất là lắp đặt biển cảnh báo; sơn gờ giảm tốc trên đường Lĩnh Nam đoạn giao với ngõ 113 hướng đi đường Tam Trinh; duy tu, thảm lại mặt đường…

“Lưu lượng phương tiện đông, trong khi đường hẹp, lại nhiều đường ngang kết nối với các khu dân cư nên nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Việc thành phố đầu tư kinh phí cải tạo hạ tầng, xóa “điểm đen” tai nạn tại đây ngay trong quý II-2022 đáp ứng mong mỏi của bà con địa phương”, ông Nguyễn Đức Thắng (ngõ 113 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) phấn khởi chia sẻ.

Cập nhật các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Góp phần thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) trong năm 2022 so với năm 2021, các sở, ngành và các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đang chủ động khẩn trương rà soát, thống kê để cập nhật các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội danh mục công trình sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó có dự án cải tạo, thảm mặt đường đang bị xuống cấp đoạn từ đường Ngô Gia Tự đi đường Nguyễn Văn Cừ hướng lên cầu Chương Dương; các dự án xén hè, mở rộng lòng đường tại các nút giao thông có lưu lượng đông, khúc cua gấp như nút giao đường Chu Huy Mân - Nguyễn Lam, nút giao đường Cổ Linh rẽ phải vào phố Thạch Bàn (hướng đi chợ Thạch Bàn), nút giao phố Ngọc Lâm rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Cừ; dự án khắc phục các điểm sụt, lún trong Khu đô thị Việt Hưng...

Công an thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội 26 đầu việc liên quan đến tổ chức giao thông tại một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, trải rộng trên địa bàn các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức…

Nhằm quyết liệt triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trong quý II-2022 và cả năm 2022, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Vũ Văn Viện yêu cầu, các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo phân cấp, bổ sung đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (sơn kẻ, biển báo hiệu, hệ thống chiếu sáng bảo đảm tầm nhìn, bán kính đường cong, mặt đường êm thuận)…

“UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn xử lý nghiêm các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Đặc biệt, cần tăng cường trực gác tại 18 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt nhằm bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng xuống cấp”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ''điểm đen'' tai nạn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.