Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng tiến bộ của xã hội hiện đại

Quỳnh Dương| 17/12/2022 15:21

(HNNN) - Tang lễ là nghi thức để người thân, bạn bè tưởng nhớ và tiễn đưa người đã khuất. Phong tục truyền thống tổ chức tang lễ ở các quốc gia trên thế giới có nhiều nét khác nhau từ trang phục, cách thức đến thời gian. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, nghi thức tang lễ cũng ngày càng có xu hướng đơn giản và văn minh hơn.

Cùng với sự tiến bộ của xã hội, nghi thức tang lễ ngày càng có xu hướng đơn giản và văn minh hơn.

Một bài viết đăng trên báo Korea Times (Hàn Quốc) gần đây cho biết, các nghi thức phức tạp và kéo dài trong lễ tang truyền thống ở nước này đang dần được thay thế bởi cách tổ chức đơn giản hơn, song vẫn không kém phần trang trọng. Trước đây, một lễ tang tại Hàn Quốc thường kéo dài 2 - 3 ngày. Đám tang được tổ chức càng long trọng, có đông đảo người tới dự càng thể hiện địa vị của gia đình.

Sau các nghi thức bắt buộc như tắm gội, khâm liệm, gọi hồn..., quan tài của người quá cố được đặt lên kiệu tang Sangyeo trang trí sặc sỡ, rồi người làng trong trang phục vải gai thô và đội mũ cao sẽ cùng nhau khiêng kiệu đưa người quá cố tới nơi chôn cất. Vừa đi họ vừa hát khúc ca “Ggotyeombul” để an ủi thân nhân người quá cố và để những người khiêng kiệu tang rảo bước nhịp nhàng cùng nhau theo nhịp trống.

Người Hàn Quốc quan niệm, những người già chết đi là trở về với cõi trời sau khi đã sống trọn vẹn kiếp người trên thế gian. Vào đêm trước ngày tiễn người quá cố tới nơi an nghỉ cuối cùng, dân làng còn tập trung diễn kịch và múa hát. Dasiraegi của vùng Jindo hay Ggotyeombul Sori của đảo Jeju chính là những khúc hát tiêu biểu cho văn hóa tang lễ của Hàn Quốc. Văn hóa nhảy múa ca hát trong tang lễ ở Hàn Quốc mang hàm ý làm vơi bớt nỗi buồn đau của thân nhân người quá cố. Vùng ven biển thuộc tỉnh Jeolla ở Hàn Quốc có khúc hát “Gildakkeum Sori” thuộc dòng Ssitkimgut, cúng cầu siêu đưa linh hồn người đã khuất đến nơi chín suối. Đây là nghi thức cúng tế nhằm gột sạch mọi oan trái tủi hờn của người chết lúc còn sống, để linh hồn người chết được nhẹ nhõm từ giã cõi trần đến với miền cực lạc.

Ngày nay, tang lễ truyền thống với đầy đủ nghi thức chỉ còn thấy ở các vùng nông thôn. Tại các thành phố lớn, do nhịp sống bận rộn, không gian chật hẹp cùng với quá trình hội nhập, tiếp thu văn minh của thế giới, đám ma thường được tổ chức tại nhà tang lễ với thủ tục đơn giản. Theo thống kê, có tới 90% đám hiếu sử dụng dịch vụ hỏa táng thay vì chôn cất truyền thống.

Hwang Jeong-seop, một người dân thuộc tỉnh Gyeonggi cho biết: “Ngày nay, rất ít thanh niên biết những bài hát truyền thống trong đám tang, số người tình nguyện tham gia công việc khiêng kiệu đỡ áo quan cũng không nhiều. Tang lễ kéo dài 2 - 3 ngày cũng khiến cho nhiều bạn bè, người thân khó thu xếp được công việc. Vì vậy, nghi thức truyền thống dần được giản lược cho phù hợp với tình hình xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình, số lượng đơn vị kinh doanh dịch vụ tổ chức tang lễ ngày càng phát triển. Tất cả nhu cầu của tang quyến có thể được đáp ứng, từ chụp ảnh, cho thuê quần áo... Các trang web của trung tâm tang lễ cũng cho phép bạn bè gửi lời chia buồn đến gia đình và cập nhật thông tin về các đám tang đang diễn ra. Một lễ tang thông thường chỉ có các bước như phúng viếng, truy điệu và an táng, kéo dài khoảng nửa ngày. Chi phí tổ chức lễ tang đơn giản do các đơn vị dịch vụ thực hiện cũng thấp hơn lễ tang truyền thống”.

Tương tự như Hàn Quốc, tại Anh, nhiều người dân đã lựa chọn cách tổ chức tang lễ văn minh. Thậm chí, đây còn là mong muốn của người quá cố trước khi qua đời để giúp người thân bớt gánh nặng trong lúc bối rối.

Theo Trung tâm tổ chức tang lễ Funeral Plan T&Cs, trung bình, một tang lễ đơn giản có chi phí thấp hơn 97% so với dịch vụ tang lễ truyền thống. Với hình thức này, rất nhiều thủ tục đã được loại bỏ. Lễ tang chỉ diễn ra trong buổi sáng, không còn kéo dài đến 2 - 3 ngày và chỉ có những người thân trong gia đình tham dự. Nhiều người bày tỏ mong muốn về một đám tang không ồn ào và đảm bảo không gian riêng tư, bình an cho người đã khuất. Trong trường hợp này, gia đình sẽ chỉ đăng cáo phó thông tin về tên, tuổi của người đã mất. Bạn bè muốn chia buồn sẽ trực tiếp gọi điện hoặc gửi tin nhắn, email.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa tổ chức tang lễ khó thay đổi hơn các lĩnh vực khác bởi đây là một hoạt động liên quan tới tâm linh, tín ngưỡng và tình cảm dành cho người đã khuất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng, việc tổ chức tang lễ phù hợp với bối cảnh xã hội, địa điểm và khả năng tài chính của bản thân mới là cách làm văn minh, có ý nghĩa đối với người quá cố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tiến bộ của xã hội hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.