(HNM) - Nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam - VietnamWorks vừa có báo cáo mới nhất về tình hình tuyển dụng lao động trên thị trường lao động thời gian gần đây. Theo đó, nhu cầu về nhân lực của các nhà tuyển dụng trong tháng 7 đã giảm 12% so với trước đó.
Điều đó cho thấy, người lao động (NLĐ) đang phải đối mặt với những khó khăn về việc làm và đặc biệt sẽ gay gắt hơn khi từ ngày 1-10, doanh nghiệp phải áp dụng mức lương tối thiểu mới.
Theo báo cáo của VietnamWorks, nhu cầu nhân lực trực tuyến tháng 7 tiếp tục giảm 12% so với tháng 6. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực một số ngành nghề vẫn tăng như chứng khoán (30%), thực phẩm/đồ uống (25%), bán lẻ/bán sỉ (20%) và ngân hàng (18%). Theo các chuyên gia của VietnamWorks, thị trường nhân lực trong một vài tháng tới được dự báo sẽ tiếp tục có chiều hướng cung lớn hơn cầu bởi theo xu hướng hằng năm, nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm và nguồn cung cho thị trường sẽ dồi dào hơn khi lực lượng sinh viên mới ra trường tham gia thị trường lao động.
Xét theo vùng, khoảng cách giữa nhu cầu nhân lực trực tuyến của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tháng 7 đã rút ngắn chỉ còn 6% so với 10% của tháng trước. Riêng Hà Nội vẫn là địa phương có nhu cầu nhân lực trực tuyến cao nhất cả nước. Nhu cầu tìm việc của NLĐ khu vực Hà Nội đang lớn hơn so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phiên giao dịch việc làm ngày 20-8 vừa qua có hơn 3.000 người tham gia nhưng nhu cầu tuyển dụng của 71 doanh nghiệp, đơn vị tham gia phiên giao dịch chỉ có tổng số chỉ tiêu tuyển dụng gần 1.600 vị trí. Theo các chuyên gia về lao động, sở dĩ các nhà tuyển dụng luôn có nhu cầu tuyển dụng cao là do thị trường lao động đang có nhiều biến động. NLĐ luôn có xu hướng chuyển việc, nghỉ việc do lương thấp. Mặt khác, nhiều địa phương đang phát triển, thu hút đầu tư khiến NLĐ tìm kiếm việc làm mới gần nhà để giảm bớt những chi phí sinh hoạt.
Ông Nguyễn Quang Thành, Trưởng phòng Thị trường lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở LĐ-TB&XH đánh giá, hiện nay, các DN sản xuất vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, do vậy trong những tháng gần đây xu hướng tuyển dụng của lĩnh vực sản xuất giảm mạnh và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng mạnh. Một bộ phận NLĐ có xu hướng thích làm việc tự do và thường xuyên chuyển việc làm nên mặc dù liên tục bổ sung nhân lực nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông. Thực tế, số lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng song rất nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động do không tuyển được lao động cùng ngành nghề.
Cũng theo phân tích của Phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm), sắp tới tỷ lệ NLĐ thất nghiệp sẽ gia tăng do một số công ty đang có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất và hoạt động cầm chừng do lãi suất vay ngân hàng vẫn cao. Bên cạnh đó, do việc dịch chuyển một số doanh nghiệp có nhiều lao động ra các tỉnh lân cận và khu vực ngoại thành, sẽ có sự sàng lọc NLĐ vì yêu cầu chuyên môn hóa cao.
Rõ ràng, lực lượng lao động có nhiều song các nhà tuyển dụng vẫn khó tuyển người đang trở thành bài toán chưa có lời giải đối với cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề lao động trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.