Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng “ăn Tết” gần

Thu Trang| 04/09/2013 06:11

(HNM) - Năm nay, hầu hết điểm đến trên cả nước không còn cảnh

Nơi xa vắng vẻ…

Trong suốt 3 ngày nghỉ lễ, Trung tâm Du lịch biển ở khu vực miền Trung - Nha Trang (Khánh Hòa) khá nhộn nhịp. Dù vậy, lượng khách không đông bằng mọi năm. Tại các khách sạn 3-5 sao, công suất phòng đạt khoảng 80%, công suất khách sạn dưới 2 sao vào khoảng 60-70%. Khánh Hòa đón 26.000 khách du lịch trong dịp 2-9, trong đó có 7.000 khách quốc tế (tăng 23%) và 19.000 khách nội địa (giảm 9,7%).

Khách du lịch tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar (Nha Trang, Khánh Hòa).
Ảnh: Trung Kiên



Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp lữ hành dự báo lượng khách sẽ rất đông, tuy nhiên, thực tế không như dự kiến. Trong 3 ngày nghỉ, các điểm du lịch toàn tỉnh đón và phục vụ gần 300.000 lượt khách, giảm nhẹ so với dịp 2-9 năm ngoái. Đà Lạt (Lâm Đồng) năm nay khá đìu hiu. Lượng khách đến các khu, điểm du lịch nổi tiếng như Vườn hoa thành phố, Thung lũng tình yêu, Đồi mộng mơ, Thác Đatanla - Thiền viện Trúc Lâm… khá thưa thớt. Thung lũng tình yêu, trong hai ngày cao điểm 1 và 2-9 chỉ đón trên 5.000 lượt khách/ngày (khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2012). Đà Nẵng dịp này tổ chức hai sự kiện lớn là cuộc thi Marathon quốc tế và hội thi Đầu bếp giỏi 2013 nhưng lượng khách nội địa giảm so với năm ngoái. Theo Sở VH,TT&DL Đà Nẵng, lượng khách nội địa giảm 10% nhưng lượng khách quốc tế tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn (Công ty Du lịch Vietravel), do thời gian nghỉ lễ ngắn, lại sát ngày tựu trường nên các gia đình hạn chế cho con em đi du lịch. Quan trọng không kém là tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân không chọn điểm đến ở xa.

Tại Hà Nội, trong hai ngày 1 và 2-9 có mưa, có ngày mưa dai dẳng nên lượng người đến các điểm vui chơi, giải trí có phần giảm. Nhiều điểm vui chơi ngoài trời vắng khách, như Công viên Hồ Tây chỉ đón khoảng hơn 2.000 lượt người, giảm 10 lần so với nhiều năm trước. Các trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng nhộn nhịp hơn. Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City trở thành tâm điểm thu hút người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận, trung bình mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt người đến khu vực này.

Thời tiết tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ khá thuận lợi, người người nườm nượp đổ về Thảo Cầm Viên, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên…. Chỉ tính riêng Công viên Văn hóa Đầm Sen, từ ngày 31-8 đến ngày 2-9 đã đón khoảng 150.000 lượt khách (tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái).

Nỗ lực cải thiện hình ảnh

Sáng 3-9, theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới, trong dịp nghỉ Tết Độc lập, những đường dây nóng hỗ trợ du khách ở Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Nha Trang đều chưa nhận được phản ánh của du khách về tình trạng "chặt chém", tăng giá dịch vụ quá mức.

Theo Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội Mai Tiến Dũng, trước dịp nghỉ lễ, ngành du lịch Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng chụp giật, tăng giá vô tội vạ. Ngoài ra, ngành du lịch Hà Nội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về đường dây nóng, niêm yết số điện thoại hotline tại nhiều di tích, danh thắng, khách sạn, công ty lữ hành… để du khách biết, thông báo khi gặp sự cố. "Thủ đô đang nỗ lực làm sạch môi trường du lịch" - Ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Không chỉ Hà Nội, nhà quản lý nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác đã cho thấy quyết tâm lấy lại lòng tin của du khách. Bác Nguyễn Thị Bắc (Tổ 21, Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết: Năm nay, gia đình tôi trở lại bãi biển Sầm Sơn. Điểm đến nổi danh "chín tháng mài dao, ba tháng cắt cổ" đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bãi biển sạch sẽ, giá dịch vụ được niêm yết công khai, số điện thoại "nóng" của lãnh đạo địa phương được phổ biến ở nhiều nơi. Dịp nghỉ lễ nhưng giá các mặt hàng ăn uống, thuê phao, áo tắm… đều ở mức chấp nhận được. Giá phòng khách sạn "chuẩn" của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao dao động từ 350.000 đến 500.000 đồng/ngày đêm.

Tết Độc lập năm nay, ngành du lịch không có được số thu như nhiều năm trước nhưng có thể vui vì ý thức xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh đang ngày càng rõ ở nhiều điểm đến. Đó thực sự là tiền đề đáng được củng cố, phát huy trong thời gian tới.

Phí trông giữ ô tô, xe máy tăng tự phát
Dịp nghỉ lễ mùng 2-9 vừa qua, nhiều điểm vui chơi, mua sắm trên địa bàn Hà Nội thu hút một lượng lớn khách tham quan. Nhu cầu gửi ô tô, xe máy tăng mạnh tại những địa điểm này. Trong ngày nghỉ đầu tiên (31-8) tại Công viên Thống Nhất, phí gửi xe máy đã được chủ các bãi xe thu cao hơn khá nhiều so với quy định: Bãi xe phía trong công viên thu phí 5.000 đồng/xe, các bãi xe bên ngoài thu phí cao gấp 5 lần quy định: 10.000 đồng/xe. Các điểm trông giữ xe quanh hồ Hoàn Kiếm đều thu phí 10.000 đồng/xe máy, 40-50.000 đồng/xe ôtô. Vào buổi tối, một số bãi xe quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm còn thu phí 15.000 đồng/xe máy. Tại Công viên Thủ Lệ, một số bãi xe vẫn thu phí trông giữ xe máy ở mức 5.000 đồng/xe máy.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng “ăn Tết” gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.