Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xong dự án, KCN Bắc Thăng Long buông xuôi trách nhiệm

VANCHIEN| 12/11/2008 07:11

(HNM) - Sau khi có Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội để xây dựng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nhân dân xã Võng La (Đông Anh) đã nghiêm chỉnh chấp hành, nhanh chóng bàn giao đất cho chủ đầu tư.

(HNM) - Sau khi có Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội để xây dựng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nhân dân xã Võng La (Đông Anh) đã nghiêm chỉnh chấp hành, nhanh chóng bàn giao đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động, chủ đầu tư chưa tính hết những tác động “ngược” làm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong xã.

Theo đơn phản ánh của người dân xã Võng La, thì việc thực hiện Dự án Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long đã gây úng ngập, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Qua xác minh từ năm 1997 đến năm 2003, huyện Đông Anh đã tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng 282,5 ha đất của các xã: Kim Chung, Đại Mạch và Võng La để thực hiện Dự án KCN Bắc Thăng Long. Trong số 282,5 ha đất của KCN Bắc Thăng Long, xã Võng La đóng góp hơn 140 ha đất nông nghiệp của 1.700 hộ, hơn 7.300 nhân khẩu, ở cả 3 thôn: Sáp Mai, Đại Độ và Võng La. Đến nay đã có 66 doanh nghiệp của các nước: Nhật Bản, Singapo, Malaixia, Philippin, Hà Lan... hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN.

Kể từ khi KCN Bắc Thăng Long chính thức đi vào hoạt động, kinh tế - xã hội của xã Võng La đã có nhiều thay đổi, bộ mặt của nông thôn được đổi mới, đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, người dân Võng La đang phải đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ, sự ô nhiễm môi trường. Khi chưa xây dựng KCN, toàn bộ nước mưa, nước thải sinh hoạt hàng ngày của nhân dân được tiêu thoát bằng hệ thống mương máng, qua cánh đồng, rồi đổ ra kênh Việt Thắng. Đây là con kênh huyết mạch, tiêu thoát nước cho cả huyện Đông Anh.

Do KCN Bắc Thăng Long nâng mặt nền lên thêm gần 1 mét so với mặt bằng của khu dân cư và ruộng đồng xung quanh, trong khi đó hệ thống cống, rãnh thoát nước mới xây dựng không đúng quy cách, dẫn đến xã Võng La thường xuyên bị úng ngập, nước thải sinh hoạt hàng ngày và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tràn cả ra đường làng, ngõ xóm, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước bao quanh KCN đi qua địa bàn xã Võng La hầu như chỉ là hình thức, bởi nhiều đoạn đã bị đất, đá vùi kín, cỏ mọc um tùm chặn hết cả dòng chảy. Quan sát kỹ mới thấy được “hình hài” của con mương thoát nước, vậy mà lãnh đạo KCN Bắc Thăng Long hãnh diện “khoe” với các phóng viên báo Hànộimới rằng: Hệ thống thoát nước của các khu vực xung quanh đã được KCN xây dựng kiên cố, đúng thiết kế và thường xuyên được nạo vét, khơi thông dòng chảy (!?). Chính vì không có lối thoát, nước ứ đọng nhiều đã biến gần 10 ha ruộng đồng của xã Võng La trở thành đầm nước mênh mông, ngập sâu hàng mét, phải bỏ hoang hóa 3 năm nay, làm thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân mà không hề được bồi thường (ảnh). Nhìn cánh đồng trắng nước, ông Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch UBND xã Võng La lắc đầu ngao ngán: Cả xã bây giờ chỉ còn hơn 40 ha đất canh tác, thế mà đành phải chấp nhận bỏ hoang tới gần 10 ha. Mặt khác, cuộc sống hàng ngày của người dân không những bị đảo lộn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm.

Không những thế, cứ vào ban đêm một số nhà máy trong KCN lại xả các khí có mùi hóa chất ra môi trường xung quanh, làm cho người dân xã Võng La luôn trong tình trạng mất ngủ. Mỗi khi gió Bắc thổi mạnh, khí thải lại có mùi đậm đặc, khó chịu hơn. Một số hộ dân quá bức xúc, đã điều tra và phát hiện hơi khí thải chủ yếu bốc ra từ Nhà máy MAP, chuyên chế tạo các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy. Ông Lê Ngọc Dũng, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đông Anh thừa nhận: Trước năm 2008 môi trường ở KCN rất tốt, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện mùi lạ, rất khó chịu và có dấu hiệu của sự ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nguồn nước ngầm của xã Võng La đã và đang bị ô nhiễm hóa chất độc hại, gây nên nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho nhân dân như: Ung thư phổi, dạ dày, vòm họng, gan... Theo thống kê của Trạm Y tế xã Võng La, từ năm 2002 đến nay đã có 46 người chết vì căn bệnh ung thư và hiện tại toàn xã vẫn còn 25 người đang phải chống chọi với căn bệnh này.

Bằng văn bản, rồi trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương và nhân dân xã Võng La đã nhiều lần đề nghị huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý vấn đề úng ngập, ô nhiễm môi trường ở nơi đây; đồng thời, yêu cầu Ban quản lý KCN Bắc Thăng Long đền bù thiệt hại hoa màu cho nhân dân… Tuy nhiên, mọi thắc mắc của nhân dân vẫn không được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Văn Lộc, Phó Tổng giám đốc thứ nhất KCNBắc Thăng Long cho hay: Dự án đã hoàn thành, nên những diện tích đất canh tác kẹp giữa khu dân cư và KCN bị ngập lụt, rồi ô nhiễm môi trường hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của Ban quản lý. Hơn nữa, KCN đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương phê duyệt từ thiết kế đến xây dựng?

Để khắc phục tình trạng trên, huyện Đông Anh đã cho phép xã Võng La chuyển đổi cơ cấu cây trồng số diện tích bị ngập úng và xây dựng hệ thống thoát nước. Thiết nghĩ, xây dựng các khu công nghiệp, hiện đại là để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại hơn, chứ không phải đẩy cuộc sống của nhân dân vào chỗ khổ cực. Ban quản lý KCN Thăng Long cần phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Về lâu dài, Công ty cấp nước Hà Nội giải quyết cho xã được sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long.

Bài, ảnh:Duy Chánh, Nguyên Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xong dự án, KCN Bắc Thăng Long buông xuôi trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.