Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xoay đủ cách, vẫn ế hàng

Đặng Loan| 25/07/2012 06:42

(HNM) - Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đà giảm của tháng trước, nhưng mức giảm mạnh hơn với 0,57%. Tình hình buôn bán kinh doanh ế ẩm khiến các nhà bán lẻ dù tìm đủ mọi cách


Chạy đua khuyến mãi, vẫn ế


Không chỉ khuyến mãi, giảm giá cho các ngày lễ, hiện các nhà kinh doanh đang tìm đủ cớ để thu hút khách về phía mình như: thanh lý hàng tồn kho, bán rẻ để trả mặt bằng, tuần lễ giá sốc… Dọc các con phố thời trang của TP như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu… giăng giăng các biển giảm giá 30%, 50%, 70%, 80%, mua 1 tặng 1…


Nhiều cửa hàng giảm giá nhưng vẫn không thu hút được khách.

Ở cửa hàng Charles & Keith (quận 1) chiều 22-7, dù trưng biển giảm 50% sáng choang mời gọi nhưng đa phần khách hàng chỉ vào xem. Cầm đôi giày ngắm nghía, chị Minh Thu, nhân viên văn phòng tiếc rẻ rồi bỏ xuống. Thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng nhưng đôi giày 1,1 triệu đồng dẫu đã giảm còn 600 ngàn vẫn làm chị đắn đo. Còn ở cửa hàng thời trang Thy Thy (quận 3), bà chủ cửa hàng than vãn, dù có nhiều khách quen nhưng có khi cả ngày chỉ bán được mỗi cái áo. Mấy ngày nay, do phụ huynh mua sắm cho con cái dịp nghỉ hè nên còn bán được, nhưng sức mua vẫn giảm chỉ bằng 50% trước kia.

Trong khi đó, các siêu thị càng đẩy mạnh hình thức khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Hệ thống siêu thị BigC trong tháng 6 có đến 7 chương trình khuyến mãi được tung ra liên tục. Tháng 7, hệ thống siêu thị này tung tiếp 3 chương trình khuyến mãi, tiếp tục giảm giá 300 mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu với cam kết bán giá rẻ hơn giá thị trường 2% - 12%, đồng thời cam kết nếu giá thị trường giảm sẽ giảm theo tương ứng, còn nếu giá thị trường tăng sẽ thương lượng với các nhà cung cấp để không tăng giá… Hệ thống Lotte Mart, ngoài chương trình "Tri ân khách hàng" thì còn liên tục giảm giá vào thứ 6, thứ 7, chủ nhật hằng tuần.

Ở các chợ, dù ít khuyến mãi nhưng các tiểu thương đã thay đổi cách bán hàng, chiều khách hơn. Ngoài các sản phẩm do các công ty như Vissan (thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến), Mỹ Hảo (nước rửa chén, bột giặt)… khuyến mãi trực tiếp cho hàng vào chợ, với các mặt hàng khác, các tiểu thương cũng phải bán thấp hơn giá ghi trên bao bì của nhà sản xuất cho khách hàng quen để giữ chân khách. Thế nhưng hàng hóa vẫn ế khiến nhiều tiểu thương phải bỏ sạp.

Chấp nhận lỗ!

Theo Bộ Công thương, do tình hình kinh doanh ế ẩm nên hàng tồn kho đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đến tháng 6, lượng tồn kho của ngành sản xuất trang phục tăng 23,1%; bơ, sữa tăng 8,7%, đồ uống không cồn tăng 23,8%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; xi măng tăng 29,3%; mô tô, xe máy tăng 25,7%…

Theo Cục Thống kê TP, so với tháng trước, nhóm giao thông đã giảm 2,89% giá; nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt giảm 2,15%; lương thực cũng giảm mạnh với 0,7%. Tuy nhiên, dù giảm giá nhưng tình hình kinh doanh vẫn ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó GĐ Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, nhiều mặt hàng rau quả như dưa leo, khổ qua, cải thìa… cũng đã giảm đến 50% so với tháng trước. Giá thịt lợn, hải sản chợ đầu mối Bình Điền cũng đang ở chiều giảm giá.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng, hiện người có tiền hay không có tiền đều rất… sợ mua sắm! Vì vậy, các doanh nghiệp muốn bán được hàng phải giảm giá, thậm chí phải chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại doanh nghiệp nên bảo vệ mạng lưới phân phối hơn là cân nhắc lỗ và lãi. Vì lỗ nhưng giữ được mạng lưới phân phối là còn cơ hội phục hồi hơn là ôm hàng chờ… phá sản!

Để thúc đẩy sức mua, cũng như giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, ông Văn Đức Mười cho rằng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo ra chu kỳ sản xuất mới. Cụ thể, nếu được khoanh nợ khoản vay cũ, cho vay mới lãi suất thấp thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện sản xuất ra hàng mới với giá thành thấp hơn, đồng thời lại tiêu thụ được nguyên liệu tồn kho. Hàng mới, giá thành thấp tất yếu sẽ kích thích người tiêu dùng hơn, vì hiện tại, dù đã giảm giá nhưng tâm lý mua hàng tồn kho, hàng cũ cũng sẽ hạn chế sức mua sắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xoay đủ cách, vẫn ế hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.