(HNM) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận, quần chúng nhân dân. Đáng chú ý, các quy định, hình thức kỷ luật mới đối với cán bộ, công chức đang làm việc và cả cán bộ đã nghỉ hưu đều được xem là việc cụ thể hóa chủ trương xóa “vùng cấm” trong công tác xử lý cán bộ, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Báo Hànộimới xin trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Mạnh Hùng, 55 năm tuổi Đảng, Chi bộ 1 phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm:
Cần cụ thể hóa những quy định, chính sách mà Quốc hội đã thông qua
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua đã quy định nhiều điểm mới đối với việc xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức đương chức và đã nghỉ việc, nghỉ hưu; về hình thức kỷ luật giáng chức, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức... Đặc biệt, cán bộ đã nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” nếu bị phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Điều này rất phù hợp với thực tế hiện nay.
Là một đảng viên, tôi đặc biệt quan tâm và mong muốn những quy định mới được triển khai thực hiện một cách công khai, minh bạch. Trên cơ sở luật mới được thông qua, Chính phủ, các bộ ngành chức năng sớm cụ thể hóa các quy định; qua đó tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất cập hiện nay.
Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên:
Sửa đổi, bổ sung luật là phù hợp với thực tiễn
Một trong những nội dung nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này là đưa ra quy định, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Đây là một hình thức xử lý kỷ luật mới, chấm dứt tư tưởng “hạ cánh an toàn” của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Theo quy định trước đây, cán bộ, công chức sẽ bị xem xét kỷ luật nếu vi phạm những điều cấm nêu tại Luật Cán bộ, công chức; với cán bộ, công chức đã về hưu thì chưa có quy định cụ thể. Thực tế đã có nhiều cán bộ, công chức vi phạm trong thời gian còn công tác, đến khi nghỉ hưu mới bị phát hiện nhưng do chưa có quy định nên rất khó xử lý.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đưa ra quy định xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là hoàn toàn phù hợp thực tiễn và thống nhất với quy định về xử lý cán bộ, công chức là đảng viên được nêu tại Khoản 2, Điều 1 Quy định số 102-QĐ/TƯ và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.
Ông Lê Trọng Duấn, đảng viên 37 năm tuổi Đảng, Chi bộ 21 phường Đức Giang, quận Long Biên:
Nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức
Qua theo dõi báo chí, tôi đặc biệt quan tâm và phấn khởi khi quy định về công khai kết quả phân loại đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc được đưa vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mới được thông qua. Quy định còn nêu rõ, kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức.
Đặc biệt, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ... Đây chắc chắn sẽ là đòn giáng mạnh vào một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý chây ỳ, thiếu trách nhiệm; có biểu hiện tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền nhằm kiếm lợi từ vị trí công tác. Tôi hy vọng, với sự đổi mới này những cán bộ, công chức đương chức, dù ở bất cứ vị trí công tác nào, cũng phải nghiêm túc, thận trọng và trách nhiệm hơn với công việc mình được giao.
Bà Lương Huyền Trang, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Cần sàng lọc những cán bộ “ngồi chơi xơi nước”
Trước đây, các cơ quan, công sở thường đánh giá trình độ của cán bộ, nhân viên thông qua kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… Việc đánh giá này thực chất chưa đào tạo được những cán bộ có năng lực, trình độ.
Nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, việc đánh giá dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Tôi rất đồng tình với quy định này vì hiện nay có không ít cán bộ, công chức, viên chức “ngồi chơi, xơi nước”, làm việc không hiệu quả, nhưng cơ quan, đơn vị vẫn không sa thải hoặc không thể sa thải được do tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa cụ thể, thiên về định tính. Việc đánh giá không nghiêm này đã gây khó khăn trong công tác quản lý cán bộ.
Vậy nên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định, mỗi cán bộ cần có công việc, sản phẩm cụ thể thì đó mới là thước đo để lựa chọn cán bộ có tài, có năng lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.