Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa lò gạch thủ công - Bao giờ đến hồi kết?

Chí Kiên - Hoài Thu| 25/05/2013 06:01

(HNM) - Hà Nội đề ra mục tiêu hết năm 2012 phải xóa hoàn toàn lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đã gần hết nửa năm 2013 nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm lò gạch chưa phá dỡ.


Điều đáng nói, câu hỏi "Ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này" vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, thành quả sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị thiệt hại nặng, sức khỏe của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng...

Lúa ở cánh đồng bị khói lò gạch đốt cháy


"Quýt làm cam chịu"

Những ngày đầu hè oi bức, nắng như đổ lửa, người dân một số xã của huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất đứng ngồi không yên khi những cánh đồng lúa đang độ "đơm hoa kết trái" bị khói lò gạch "đốt cháy".

Ngày 15-5, có mặt tại cánh đồng Ngoài Ngãi, xã Phùng Xá (Thạch Thất), PV Báo Hànộimới đã chứng kiến hàng chục người dân đội 5, đội 6, thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá đang rất bức xúc vì đã nhiều năm nay, lò gạch ở xã Sài Sơn (Quốc Oai) liên tục làm "cháy lúa" của họ. Đứng bên 3 sào lúa sắp thu hoạch đã chết khô, chị Chu Thị Thanh, thôn 6, xã Phùng Xá, giọng đầy bức xúc: "Vợ chồng tôi có 5 đứa con, thu nhập để nuôi chúng ăn học đều trông cậy vào ruộng, nay chuẩn bị thu hoạch, nhiều diện tích bị mất trắng, sao không đau lòng". Chị Thanh cho biết, ngay từ khi lò gạch hoạt động có dấu hiệu gây hại lúa, nhân dân đã thông báo cho HTX biết để can thiệp. Nhưng tất cả phản ánh đều bị phớt lờ. Tiếc của, chị Thanh và hàng chục gia đình đã mua thuốc về phun, mong phục hồi diện tích lúa bị ảnh hưởng song vẫn không cứu vãn được tình thế...

Những gì người dân nhận lại từ cái gọi là "đền bù" của chủ lò chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại. Bà Nguyễn Thị Minh, ở đội 5, năm nay 66 tuổi, mỗi lần ra thăm thửa ruộng hơn 2 sào về lại "đứng ngồi không yên". Thửa ruộng của bà thời điểm này, thay bằng màu xanh và mùi thơm của bông lúa đang độ ngậm sữa thì lại ngả sang màu vàng úa, nhiều chỗ cháy đen sạm, bông lúa chĩa thẳng lên trời, hạt lép kẹp. Nếu lúa phát triển bình thường và thuận lợi như vụ xuân năm nay, bà sẽ thu hoạch được khoảng 4,5 tạ lúa. "Với giá hiện tại đang ở mức 750.000 đồng/tạ, giá trị hai sào lúa khoảng 3,3 triệu đồng. Qua 3 đợt cháy, tôi chỉ nhận được đền bù từ chủ lò là 360.000 đồng. Như vậy, quá thiệt thòi cho chúng tôi. Ai chịu trách nhiệm bây giờ, chúng tôi kêu mãi rồi mà không thấu?" - bà Minh bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tường Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, cũng rất bức xúc và mong muốn báo chí lên tiếng để sớm chấm dứt tình trạng này: "Đầu vụ xuân, chúng tôi đã động viên bà con xuống đồng cấy lúa với lời hứa năm nay sẽ không xảy ra tình trạng cháy lúa. Vì hết năm 2012, lò gạch đã được xử lý triệt để. Thế nhưng trớ trêu thay nông dân vừa cấy lúa xuân xong thì lò gạch bên Sài Sơn bắt đầu đỏ lửa. Từ đó đến nay, cây lúa ở cánh đồng Ngoài Ngãi và đồng Đầm đã hứng chịu tổng cộng 6 lần cháy, tổng diện tích gần 20 mẫu.

Giờ chúng tôi không biết ăn nói thế nào với người dân". Vụ việc cũng đã được UBND huyện Thạch Thất báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ trách nhiệm. Điều băn khoăn nhất của người dân và lãnh đạo xã Phùng Xá, lý do gì mà cùng một chủ trương xóa lò gạch, một bên làm ráo riết, đúng kế hoạch, một bên "nằm im" để thiệt hại xảy ra.

Tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), người dân có ruộng lúa ở những khu lò gạch còn đốt chịu cảnh ngộ tương tự. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Khuê Nguyễn Tất Tình (xã Sài Sơn) nhổ khóm lúa đã khô hết lá trên thửa ruộng của gia đình ông Nguyễn Công Sáng cho chúng tôi xem, giọng buồn bã: "Vất vả cày cấy cả vụ, nay lúa chuẩn bị làm đòng lại bị khô héo vì khói lò gạch, người dân rất xót". Không chỉ ruộng lúa nhà ông Sáng, rất nhiều thửa ruộng của người dân thôn Thụy Khuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều thửa lá lúa chuyển màu vàng úa hoặc bị "cháy" rụi. Cách thửa ruộng của ông Sáng mươi bước, một lò gạch thủ công vẫn hoạt động, khói tỏa nghi ngút, phả hơi nóng xuống cánh đồng lúa xuân. Ông Nguyễn Bá Mại, Trưởng ban Kiểm soát HTX Nông nghiệp Thụy Khuê, cho biết: "Bất chấp lệnh cấm không được đốt gạch ngói thủ công, trong vòng tháng qua, trên địa bàn xã Sài Sơn vẫn còn tới 22 lò gạch thủ công liên tục "đỏ lửa". Ước tính, tổng diện tích lúa thiệt hại bởi khói lò gạch khoảng 3,5ha. Hiện có 17 lò đun đốt đã thỏa thuận đền bù thiệt hại cho người dân. Trong khi đó, trên cánh đồng Vòng của thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), có hàng chục lò gạch (trong đó có vỏ lò đốt gạch theo công nghệ thân thiện môi trường và vỏ lò thủ công) vẫn hoạt động bình thường, cho dù lúa ở đây đã bị cháy nhiều lần. Vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, luôn có 5-7 vỏ lò thủ công đã phá dỡ phần mái và ống khói, phần thân lò vẫn… hoạt động. Người dân thôn Bảo Lộc cho biết, những "lò gạch thủ công không ống khói" khi đốt gây tác hại rất lớn cho môi trường, gấp nhiều lần so với bình thường. Trước đó, vào thời điểm những ngày cuối tháng 3, trên cánh đồng này cũng đã xảy ra việc cháy lúa...

Đi ngược chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố

Khi chúng tôi đặt vấn đề: "Dư luận cho rằng, chính quyền đã "bật đèn xanh" cho chủ lò đốt gạch?", cả lãnh đạo phòng chuyên môn, UBND huyện và các xã liên quan ở huyện Phúc Thọ và huyện Quốc Oai đều khẳng định "hoàn toàn không có chuyện đó". Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Khuất Duy Hùng cho rằng, ở một số nơi, trong đó các xã Võng Xuyên, Long Xuyên, chủ lò chỉ phá phần ống khói và mái lò, phần thân lò vẫn giữ nguyên. "Lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền sở tại, chủ lò đã đưa gạch mộc vào lò, "tận dụng" phần nguyên liệu còn lại đun đốt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Đây là hiện tượng đốt trộm" - ông Hùng phân trần. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên, do tập trung công tác dồn điền đổi thửa nên UBND huyện đã gia hạn cho các xã, thị trấn, trước khi cấy lúa xuân (25-1-2013) phải xóa xong lò gạch thủ công. Thế nhưng, cũng chính vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền cấp xã, chủ lò "lấn tới", để đến thời điểm này vẫn còn lò gạch đỏ lửa. "Nóng mắt" trước thực tế này, UBND huyện Phúc Thọ đã yêu cầu các xã xây dựng quy trình, ban hành các quyết định cưỡng chế tháo dỡ lò gạch thủ công nhưng đến ngày 2-5-2013 vẫn chưa ra được quyết định cưỡng chế nào. Điều đáng nói, huyện Phúc Thọ đã ra quân rất rầm rộ thực hiện "Năm kỷ cương hành chính", trong khi những chỉ đạo của chính quyền cấp huyện với cấp xã về xử lý lò gạch qua nhiều tháng vẫn chưa được thi hành.

Ðã gần hết nửa năm 2013, tình trạng chính quyền các địa phương để lò gạch thủ công vẫn tồn tại, đun đốt là đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội. Trong lúc này, việc cưỡng chế, xóa tận gốc lò gạch thủ công là giải pháp tối ưu cho các địa phương. Tuy nhiên, khi PV Hànộimới đặt vấn đề này ra, lãnh đạo ở các địa phương vẫn viện nhiều lý do để ngụy biện. Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Đào Tiến Tuyến đẩy trách nhiệm xử lý lên cấp huyện: "Thẩm quyền của xã chỉ lập biên bản vi phạm, bởi giá trị tài sản công trình xây dựng trên 100 triệu đồng, việc ban hành các quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Mặt khác, lực lượng của xã mỏng nên khó kham nổi nhiệm vụ này". Từ thông tin của Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, có thể hiểu và cảm thông với những lo lắng của người dân khi mà chính quyền địa phương biết lò gạch vi phạm nhưng lại làm ngơ.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Duy Kiên cho rằng, xóa lò gạch thủ công đang gặp khó khăn có nguyên nhân thiếu kinh phí. Chủ trương của UBND thành phố hỗ trợ xóa mỗi vỏ lò gạch thủ công 10 triệu đồng; hỗ trợ mỗi lao động tham gia sản xuất gạch thủ công thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo 2,5 triệu đồng; lao động không thuộc hộ nghèo, cận nghèo 1 triệu đồng/người. Tổng kinh phí phải hỗ trợ đối với việc xóa lò gạch thủ công của Phúc Thọ khoảng 10 tỷ đồng. "Nguồn kinh phí này, huyện phải tự cân đối. Là một huyện nghèo, ngân sách của huyện không thể cân đối, buộc phải xin thành phố hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết". Thế nhưng, khi trao đổi về thực tế ở huyện Phúc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hà Ngọc Hồng khẳng định, cơ chế, chính sách hỗ trợ xóa lò gạch thủ công đã đủ và khá cụ thể, kể cả kinh phí cho cưỡng chế giải tỏa, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về chính quyền địa phương...
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa lò gạch thủ công - Bao giờ đến hồi kết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.