(HNM) - Thực tế, dù còn những hạn chế, quyền lợi đôi khi chưa được bảo đảm nhưng những việc làm thiết thực từ xây dựng, ban hành chính sách đến triển khai thực hiện đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng về xóa bỏ
Nhận diện "rào cản"
Các chuyên gia LĐ cho biết, mức thu nhập cơ bản của hầu hết LĐDC chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm dành riêng cho LĐDC chưa rõ nét.
Người lao động giao dịch tại bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thảo Linh |
Nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, hầu hết LĐDC khu vực phi chính thức không hiểu biết đầy đủ về các quyền và lợi ích của mình tại nơi làm việc và nơi ở. Họ phải trả chi phí kép do không có hộ khẩu tại nơi ở, cụ thể là các dịch vụ nhà ở, điện nước sinh hoạt cao hơn so với dân địa phương. Có đến 99% LĐDC không có bảo hiểm xã hội (BHXH) để hỗ trợ giảm rủi ro khi ốm đau, tai nạn LĐ, tuổi già và chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc mất do các rủi ro. Nhiều người không có hợp đồng LĐ mà chỉ là thỏa thuận miệng với chủ sử dụng LĐ nên không được đóng BHXH. Thậm chí nhiều LĐ cũng không muốn đóng BHXH do bị trừ thu nhập thực tế và nhiều chủ sử dụng LĐ cũng vin vào đó để né tránh trách nhiệm đóng BHXH với người LĐ. Về BHXH tự nguyện do chính sách truyền thông của Ngành BHXH chưa hiệu quả, mức đóng hằng tháng chưa phù hợp với thu nhập, quyền lợi còn thiệt thòi hơn nhiều so với BHXH bắt buộc nên chưa thu hút LĐDC.
Có thể thấy, vẫn còn rất nhiều rào cản đối với những LĐDC trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội (ASXH). Tuy nhiên, điểm lại thực tế trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những tác động cụ thể, thiết thực đến lực lượng này. Bộ luật Lao động 2012 có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền ASXH của nhóm giúp việc gia đình. Luật Việc làm đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm tới những LĐ có hợp đồng từ đủ 1 tháng trở lên. Luật BHXH cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến LĐ có hợp đồng đủ 1 tháng trở lên và nới lỏng các điều kiện để người LĐ dễ tham gia BHXH tự nguyện. Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2014 và Luật BHXH 2014 vạch lộ trình cụ thể để xóa bỏ phân biệt đối xử với LĐDC. Họ được quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua sổ tạm trú và cũng có thể tham gia vào BHXH tự nguyện tại nơi di cư đến. Bên cạnh đó, các địa phương có đông LĐDC đều có chính sách ưu đãi giá nước sạch cho người LĐ thuê nhà. Chiến lược ASXH 2012-2020 cũng xác định, LĐDC có cơ hội được thụ hưởng các chính sách bảo trợ xã hội như là một nhóm đối tượng khó khăn hoặc nghèo đa chiều.
Thành công từ những mô hình mới
Nhằm trợ giúp những LĐDC, nhiều tổ chức phi chính phủ đã đặc biệt quan tâm và coi họ là những LĐ yếu thế. Điển hình, tháng 8-2016, sau nhiều đợt tuyên truyền và phối hợp giải quyết vướng mắc thủ tục về BHXH cho gần 4.000 LĐDC tại phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Viện Light) kết hợp với Hội Phụ nữ TP Hà Nội vận động được 7 LĐ mua thẻ BHYT. Theo bà Trần Lê Linh, cán bộ Viện Light, đây là thành công lớn vì người LĐ khác sẽ chờ đợi sự thụ hưởng BHYT của 7 người này, sau đó họ mới có động lực để tham gia. "Và mô hình đã được nhân rộng khi chưa đầy 3 tháng sau, chúng tôi đã vận động được 50 người LĐ mua BHYT và đang có 77 người khác đang làm thủ tục mua thẻ" - bà Trần Lê Linh cho biết. Viện Light và Hội Phụ nữ TP Hà Nội đã mời đại diện các cơ quan: Công an quận Hoàn Kiếm, BHXH, BHYT, chính quyền địa phương... gặp gỡ trực tiếp người LĐ để trả lời những băn khoăn, lo ngại của LĐDC, đồng thời tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người LĐ được mua BHYT. Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cũng cho biết đây là cách làm mà Hội Phụ nữ các cấp sẽ nghiên cứu để tuyên truyền và hướng dẫn cho hơn 1 triệu LĐDC trên địa bàn Hà Nội tiếp cận với các dịch vụ ASXH.
Theo bà Trần Lê Linh, sau thành công tại khu vực phường Chương Dương và Phúc Tân, Viện Light cũng thực hiện nhiều mô hình cho LĐDC, cụ thể là dự án Stones hỗ trợ mô hình nhóm tự lực của người LĐ di cư khu vực phi chính thức, trong đó tập trung nhóm bán hàng rong và thu nhặt phế liệu tại Hà Nội. Dự án kéo dài từ tháng 7-2014 đến hết tháng 12-2016 tập trung chính vào lao động nữ nông thôn được nâng cao nhận thức về quyền và cách tiếp cận ASXH. Các nhóm thường xuyên tổ chức thảo luận, tham vấn các vấn đề về quyền LĐ, ASXH, nâng cao nhận thức về giới, di cư, chính sách, chăm sóc sức khỏe, BHYT, BHXH, giới, bạo lực, trợ giúp pháp lý....
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, các hoạt động trợ giúp xã hội sẽ không ngừng được mở rộng về đối tượng, diện bao phủ, từng bước nâng mức trợ giúp xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế. Người LĐ từ đó có thể được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, nước sạch... Và chúng ta có quyền hy vọng trong tương lai không xa có thể xóa bỏ rào cản đối với những LĐDC trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.