Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Phú Xuyên: Liệu đã sẵn sàng?

Hưng Thịnh| 30/10/2012 22:20

(HNMO)- Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn. Theo đó, việc xóa bỏ lò gạch thủ công phải hoàn thành trong năm 2012; các lò thủ công chuyển đổi sang sản xuất bằng công nghệ mới bảo đảm quy định môi trường...

Thực tế các địa phương đã triển khai thực hiện kế hoạch này của thành phố đến đâu? Phóng viên Hànộimới Online đã có cuộc khảo sát trên địa huyện Phú Xuyên- một trong những địa phương tập trung khá nhiều lò gạch thủ công hoạt động.

Nhiều lò vẫn đang đỏ lửa
Khoảng 5-6 năm trở về trước, huyện Phú Xuyên đã rất quyết liệt trong việc giải tỏa các lò gạch thủ công hoạt động trong nội đồng.Vì thế, hoạt động sản xuất, đun đốt gạch chỉ còn tập trung ở ngoài vùng bãi thuộc địa bàn các xã, thị trấn có tuyến đê hữu Hồng chạy qua, như: Phú Minh, Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng. Lúc cao điểm trên địa bàn các xã này có đến cả trăm lò gạch thủ công hoạt động. Bởi vậy, hầu như vụ nào cũng xảy ra tình trạng khói lò gây thiệt hại về hoa màu trên diện tích hàng trăm héc ta. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá được tác hại của khói lò ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong vùng...

Đến thời điểm này, nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Phú Xuyên vẫn đang nhả khói


Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị của thành phố, huyện Phú Xuyên mới chỉ giải tỏa các lò gạch thủ công hoạt động trên địa bàn xã Quang Lãng, còn tại các xã khác dọc đê hữu Hồng các lò gạch thủ công vẫn đang tiếp tục hoạt động.

Những ngày cuối tháng 10 này, đi dọc triền đê hữu Hồng thuộc địa phận huyện Phú Xuyên vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các lò gạch thủ công vẫn thi nhau nhả khói. Tại thị trấn Phú Minh, vẫn có 2 vỏ lò đang nung gạch. Mỗi vỏ lò có công suất khoảng 100 vạn viên gạch. Lò gạch thì vẫn nhả khói, trong khi đó lượng gạch mộc vẫn còn rất nhiều, cộng thêm đất nguyên liệu để sản xuất gạch vẫn còn chất thành đống.

Đất nguyên liệu sản xuất gạch mộc vẫn chất đống tại khu lò gạch trên địa bàn thị trấn Phú Minh


Trên địa bàn xã Hồng Thái, Khai Thái là 2 địa phương tập trung nhiều lò gạch thủ công nhất huyện Phú Xuyên, các chủ lò ở đây đang tất bật cho việc nổi lửa nung gạch như chạy đua cùng thời gian. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái được biết, đến nay UBND xã mới tháo dỡ được 5 vỏ lò. Hiện tại vẫn còn 11 vỏ lò của 11 chủ đang hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Tấn, hiện các chủ lò trên địa bàn xã không còn sản xuất gạch mộc mặc dù đất nguyên liệu chở từ nơi khác về vẫn còn khá nhiều. Ông Tấn cũng cho biết thêm, chính quyền xã sẽ quyết liệt giải tỏa các lò gạch thủ công trong năm nay dù trên địa bàn xã có 2 chủ lò có thời hạn hợp đồng với địa phương đến năm 2014.

Sẽ xử lý triệt để?
Được biết, thực hiện thông báo số 129/TB-HU ngày 6-8-2012 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên về việc xử lý xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện, UBND huyện đã triển khai nhiều hội nghị và ra các văn bản chỉ đạo đối với các xã, thị trấn trên địa bàn nhưng tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương quá chậm.

Ngày 20-9-2012, UBND huyện đã tổ chức họp với lãnh đạo các xã, các ngành chuyên môn của huyện, đồng thời đã có thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương thanh lý và xóa bỏ lò gạch xong trước ngày 30-9-2012.

Tuy nhiên, trên thực tế tại 2 xã Hồng Thái và Khai Thái vẫn còn nhiều gạch mộc tồn đọng trên bãi. Để giảm bớt những khó khăn về kinh tế đối với các chủ lò, UBND xã Hồng Thái và Khai Thái đã đề nghị UBND huyện cho hướng xử lý số gạch mộc tồn đọng... Ngày 16-10-2012, UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản (do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Quân ký) hướng dẫn chính quyền 2 xã trên việc xử lý những vướng mắc. Theo đó, trên địa bàn xã Hồng Thái, đối với các lò đã hết hạn hợp đồng từ tháng 7-2012, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ, san ủi ngay và trả lại mặt bằng giao cho UBND xã. Các lò còn lại gồm: 5 cặp lò hợp đồng hết hạn vào tháng 12-2012 và 2 cặp lò hết hạn vào tháng 2-2013, mỗi cặp lò được đun đốt một lần (1 khói) sau đó tháo dỡ, san ủi trả lại mặt bằng.

Còn đối với xã Khai Thái, hiện còn 8 cặp lò, trong đó có 5 cặp hết hạn trong tháng 11-2012; 3 cặp hết hạn vào tháng 2-2013 thì được đun đốt mỗi lò 1 lần (1 khói) sau đó tháo dỡ và san ủi mặt bằng giao cho UBND xã.

Gạch mộc tồn đọng trên địa bàn xã Hồng Thái


Văn bản cũng nêu rõ, giao UBND xã chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp, quản lý chặt chẽ trong quá trình đun đốt, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến cháy táp hoa màu, không để khiếu kiện trong nhân dân. Trước khi vào lò để đun đốt, các chủ lò phải làm cam kết với UBND xã thực hiện nghiêm túc về mặt thời gian, về đảm bảo vệ sinh môi trường và tự tháo dỡ khi đã đốt xong; sau khi các chủ lò đun đốt xong 1 khói, nếu chủ lò nào còn gạch mộc đề nghị vận chuyển đi nơi khác.

Ngày 20-11-2012 là hạn cuối cùng để tháo dỡ. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện thực hiện các quy định về đun đốt và chấp hành việc tháo dỡ theo đúng thời gian.

Tuy nhiên, điều đáng nói, trên địa bàn thị trấn Phú Minh cho đến thời điểm này, một số lò thủ công đang hoạt động, lượng gạch mộc tồn đọng vẫn còn nhưng không thấy UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo UBND thị trấn thời điểm thực hiện tháo dỡ như các địa phương khác trong huyện?

Bên cạnh đó, theo kế hoạch của UBND thành phố, cùng với việc tuyên truyền, phát triển vật liệu xây dựng không nung, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tổ chức tháo dỡ toàn bộ các lò gạch thủ công, khôi phục cải thiện chất lượng môi trường; đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động thôi sản xuất gạch thủ công. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, chính quyền các địa phương ở Phú Xuyên vẫn chưa thực sự chủ động cho việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động khi mà thời điểm xóa bỏ lò gạch thủ công đã đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Phú Xuyên: Liệu đã sẵn sàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.