Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin đừng quyết liệt nửa vời

Thế Phương| 19/09/2011 07:05

(HNM) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc quy định trần lãi suất 14%/năm. Hình phạt đối với những cơ sở vi phạm là đình chỉ, miễn nhiệm đối với lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch.


Ngoài ra, đơn vị vi phạm sẽ không được mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch trong vòng một năm… UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, áp lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Nếu phát hiện có sai phạm, sẽ xử lý nghiêm… Trong cuộc họp bàn nhiệm vụ 4 tháng cuối năm diễn ra ngày 15-9, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương cho biết, sẽ "thẳng tay" với những vi phạm…

Có thể thấy rõ thái độ quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc đưa lãi suất huy động xuống 14%/năm nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu lớn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này không đơn giản. Khoan nói chuyện sau khi nhiều tổ chức tín dụng bị "tố" qua đường dây nóng, kết quả thanh tra chỉ có một ngân hàng mắc lỗi, việc "giải quyết tồn tại" đã là cả vấn đề. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tại một số chi nhánh, vẫn tồn tại những khoản ứng trước và chưa rõ sẽ hạch toán ra sao? Nhiều ngân hàng đã vay lãi suất quá cao, khoản đó sẽ phải điều chỉnh thế nào? Chưa kể, khi tất cả các ngân hàng đều nghiêm túc thực hiện qui định lãi suất 14%/ năm, khách hàng sẽ đến với những ngân hàng lớn, lúc đó, liệu các ngân hàng nhỏ có chịu thua thiệt, lép vế? Rồi cũng phải tính đến khả năng nếu biên độ lãi suất thu hẹp như hiện nay, liệu các dòng tiền có "nhảy" sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản? Và khi lượng tiền lưu thông trong thị trường nhiều hơn, tình trạng lạm phát có tái diễn không?... Hàng loạt câu hỏi đang chờ đáp án.

Thêm nữa, lo ngại về tình trạng "đầu voi đuôi chuột" trong việc thực hiện chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không phải là vô cớ. Khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về thực hiện giải pháp tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các ngân hàng thương mại gần như đều chấp hành nghiêm chỉnh trong một tuần đầu tiên. Song, ngay sau đó là một cuộc chạy đua lãi suất. Thậm chí, có thời điểm, lãi suất huy động lên tới 19-20% một năm. Hệ lụy thế nào, có lẽ không cần phải nói thêm.

Thái độ quyết liệt là cần thiết nhưng chưa đủ, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra được những quy định cụ thể, chẳng hạn: tất cả các trường hợp lãi suất huy động dưới bất kỳ hình thức nào nếu vượt trần 14%/năm đều là vi phạm và phải xử lý thích đáng. Ngoài chế tài rõ ràng, các cơ quan hữu trách cần thực hiện nhất quán, minh bạch, công bằng… nhằm ngăn chặn dứt điểm tình trạng "lách luật". Đồng thời loại bỏ "cơ hội" mà các ngân hàng có thể lợi dụng nhằm hút vốn trên thị trường hoặc tìm cách "tố" lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh…

Thực tiễn hiện nay không thể dùng lý thuyết là để thị trường tự điều chỉnh mà phải có bàn tay quản lý của nhà nước mới bảo đảm thị trường đứng vững. Việc lãi suất được đưa về mẫu số chung sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm giải tỏa tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh. Để đạt được mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề như giá đầu vào cho sản xuất: xăng dầu, điện than, phân bón; giảm nhập siêu; tăng cường hiệu quả đầu tư… Đây quả thật là những bài toán khó.

Tóm lại, rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tuyệt đối không để tái diễn tình trạng quyết liệt trong thời gian đầu rồi… để đấy. Chúng ta đã có nhiều bài học về sự "nửa vời".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin đừng quyết liệt nửa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.