(HNMĐT) - Chúng tôi xin được mượn lời của những số phận kém may mắn gọi những ân nhân của mình, để nói tới những bạn đọc có tấm lòng nhân ái của báo Hànộimới Điện tử như thế.
Báo Hànộimới trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được bạn đọc giúp đỡ |
(HNMĐT) - Chúng tôi xin được mượn lời của những số phận kém may mắn gọi những ân nhân của mình, để nói tới những bạn đọc có tấm lòng nhân ái của báo Hànộimới Điện tử như thế. Năm 2006, những tấm lòng vàng ấy đã mở ra để những địa chỉ đăng trên chuyên mục “Những tấm lòng từ thiện” được bớt đi phần nào khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, được tiếp thêm nghị lực để vươn lên, dẫu cuộc đời còn nhiều lắm những lo toan, thiệt thòi.
Hơn 1 năm qua, bà cháu bé Đỉnh Thu Thảo, đội 7, thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì vẫn không dám tin đó là sự thật. Kể từ ngày tai họa ập xuống cướp đi cả con trai, con dâu, để lại cho bà đứa cháu bé bỏng, bây giờ bà Kim Thị Rơi mới vui mừng như thế. Tiếp Loan (nhóm bạn giúp bạn) đến thăm và tặng quà, bà vui đến chảy cả nước mắt. Loan không muốn tiết lộ cho tôi thông tin về cá nhân cũng như nhóm của mình ngoài số điện thoại và lời tâm sự: “Bọn mìnnh không thích “lên báo” đâu, chỉ muốn được góp phần bé nhỏ làm bớt đi những khó khăn cho những số phận kém may mắn”.
Biết là Loan và các bạn của cô không thích “lên báo” nhưng như bà Rơi bảo, không thể không viết về họ, những con người dù tuổi đời còn ít nhưng lại rất giàu sự quan tâm, biết chia sẻ với người nghèo. Từ đợt thăm nhà bà Rơi trước tết năm Ất Dậu, nhóm của Loan vẫn thường xuyên ủng hộ cho cháu Thảo mỗi tháng 200.000đồng, tết thì có thêm quà cho hai bà cháu. Bà Rơi bảo, bà thấy những túi quà tết ấy ngon lắm. Ngon bởi bàn tay khéo léo chọn mua và "ngon" bởi tấm lòng của những cô gái nết na, tình cảm ấy. Cũng nhờ có nhóm của Loan, hơn 1 năm nay, bà không còn đau đáu nỗi lo mỗi kỳ đóng tiền học cho Thảo nữa.
Quá xúc động , ông Vũ Đăng Văn, tổ 10, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã không giấu nổi những giọt nước mắt khi buổi chiều ngày 22/6/2006 được tiếp một vị khách quý. Đó là bà Nguyễn Thị Hợp (Cũng giống như Loan, bà Hợp không tiết lộ cho tôi và người mình giúp đỡ những thông tin về bản thân). Ngay sau khi đọc bài đăng trên chuyên mục “Những tấm lòng từ thiện” của Báo Hànộimới Điện tử, bà đã liên lạc với tôi, để cùng tôi đến thăm ông Văn. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ của một buổi chiều nóng nực, trong gian nhà thấp, chật chội, bà Hợp đã chăm chú ngồi nghe ông Văn bộc bạch về cuộc đời đầy bất hạnh của mình.
Ông Văn vốn là lính thông tin đóng quân ở tỉnh Thái Nguyên. Cuối năm 1970, sau một trận ốm nặng, sức khoẻ giảm sút, ông phải xuất ngũ, về sinh sống tại huyện Đồng Hỷ. Cuộc đời với những ước mơ cao đẹp thật sự khép lại với ông vào hơn 1 năm sau khi bị ông thầy Tầu “rởm”châm cứu sai huyệt khiến các cơ tay, chân teo lại. Dù bị liệt, chỉ còn 3 ngón tay co quắp, vẹo vọ còn cử động được, nhưng với quyết tâm sống “tàn nhưng không phế”, ông mày mò, tự học sửa chữa ti vi và trở thành một người thợ lành nghề, đào tạo được nhiều học trò có tay nghề giỏi.
Năm 1996, ông Văn trở về Hà Nội, mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Nhà cửa bố mẹ để lại bị người anh bán mất. Ông đi mua nhà lại mua phải đất lấn chiếm, khi giải toả không được đền bù gì. Ông trở thành người trắng tay, phải vay mượn, thuê nhà để ở. Có nhà, ông lại tiếp tục dạy nghề miễn phí cho học trò nghèo và viết sách dạy sửa chữa điện tử. Đầu năm 2006, ông Văn bị ốm nặng. Cơn bạo bệnh khiến ông không thể tiếp tục công việc cũ. Ông đã gọi điện cho tôi. Bài viết về ông đăng trên Báo Hànộimới điện tử buổi sáng thì buổi chiều, bà Hợp đã gọi điện, ngỏ ý muốn tôi cùng đến thăm ông Văn.
Thể theo nguyện vọng của ông, bà Hợp đã mua tặng ông chiếc máy vi tính, máy in để ông in tài liệu dạy sửa chữa điện tử (Ông Văn đã nhận được rất nhiều thư xin tài liệu của các cơ sở từ thiện, những người yêu nghề nhưng không có điều kiện đến trường). Ngoài ra, từ tháng 6/2006, bà ủng hộ ông mỗi tháng 200.000đồng.
Mùa Xuân này, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến, chị Đào Thị Phượng, phòng 405, nhà C7, khu tập thể KimLiên được sống trong niềm xúc động lớn. Anh Tuyến vốn là công nhân in tư nhân. Năm 2002, sau một tai nạn, anh bị mất sức lao động, tính tình thay đổi. Chị Phượng, vốn bị bệnh thận, sau nhiều lần thử nghiệm các công việc khác nhau để kiếm sống nhưng không thành công phải đi làm thuê. Anh chị cùng hai con sống cùng ông bà nội. Nhà với 6 miệng ăn, trong đó hai đứa trẻ đang đi học, trông vào nguồn thu ổn định là tiền lương hưu của ông và thu nhập thất thường của chị nên rất thiếu thốn. Bởi quá khó khăn, cả nhà rất lo mỗi lần đến kỳ đóng học cho hai đứa trẻ.
Biết được hoàn cảnh của gia đình chị Phượng qua chuyên mục “Những tấm lòng từ thiện”, bác sỹ Võ Mộng Lan (hiện sinh sống ở Canada) đã thông qua người em họ là bà Nguyễn Thị Hợp, nhận đỡ đầu cho cháu Nguyễn Thu Hường, con thứ hai của vợ chồng chị Phượng (đang học lớp 1) từ tháng 1/2007 với số tiền 200.000đồng/tháng.
Hôm tôi đến, bà Hải, bà nội của Hường, rất xúc động. Nghẹn ngào nói giữa những giọt nước mắt, bà bảo rằng, cả nhà rất vui trước tấm lòng của bà Lan, bà Hợp, những người đã mở rộng vòng tay nhân ái, giúp gia đình bà, giúp cháu bà được đến trường. Ân nghĩa này, bà sẽ khắc sâu trong lòng, nhắc nhở con cháu phải cố gắng vươn lên để đền đáp.
Có thể với ai đó, vài trăm nghìn chẳng có nghĩa lý gì nhưng với những số phận như bà cháu bé Thảo, ông Văn, gia đình bé Hường, số tiền ấy thật lớn. Số tiền ấy không chỉ giúp họ phần nào vợi bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày mà còn tiếp thêm sức mạnh để họ vững bước hơn trên con đường còn rất dài phía trước. Thông qua báo Hànộimới điện tử, bà cháu bé Thảo, ông Văn, gia đình cháu Hường xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến Báo, đến những bạn đọc hảo tâm, đồng thời mong Báo tiếp tục duy trì chuyên mục để có thêm những số phận thiệt thòi được an ủi bởi những Tấm Lòng vàng.
Nguyễn Tâm
Bạn đọc xa gần có tấm lòng hảo tâm ngoài việc liên hệ trực tiếp với địa chỉ trên, có thể liên lạc với Báo Hànộimới điện tử theo địa chỉ:
Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại – Fax: 04 – 9287445
Email: tuthien@hanoimoi.com.vn