Mười sáu năm trước, Xiêng Phênh đã trở thành một tử tù đặc biệt trong
Xiêng Phênh trong ngày được đặc xá. |
Những tưởng sau một lần "chết hụt", Xiêng Phênh sẽ biết trân trọng cuộc sống, nào ngờ! Vào ngày 8/4, chưa đầy 2 năm sau ngày được đặc xá, Xiêng Phênh đã bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) bắt giữ cùng tang vật là 39 bánh heroin.
Ngựa quen đường cũ
Xiêng Phênh sinh ngày 15/4/1959, tại bản Xốp Nạo, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Xa Lỳ (Lào). Trong gia đình, Xiêng Phênh là anh trưởng, dưới Xiêng Phênh còn có 7 người em gồm cả trai và gái. Mua bán ma túy mang lại khoản lợi nhuận kếch sù khiến Xiêng Phênh không từ thủ đoạn nào để phạm tội.
Vào thời điểm năm 1995, một bánh heroin ở Lào có giá khoảng 3.000 USD, nếu vận chuyển trót lọt về Hà Nội, có thể lên tới 6.000 hoặc 7.000 USD nên Xiêng Phiêng bất chấp nguy hiểm đã hình thành đường dây mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam.
Với người dân Việt Nam, cái tên Xiêng Phênh dường như vẫn còn quá quen thuộc bởi nó gắn liền với tên tuổi của hàng chục kẻ phạm tội đã lợi dụng công việc của mình để buôn bán, vận chuyển ma túy. Nếu tính thời điểm những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước thì đường dây ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường được coi là nhất trên nhiều phương diện: Vụ án có số lượng ma túy lớn nhất, nhiều án tử hình, chung thân nhất và cũng được dư luận chú ý nhiều nhất. Và Xiêng Phênh cũng trở thành tử tù đặc biệt khi từ pháp trường về…
Vì thế, khi Xiêng Phênh bị bắt lại - vụ án đã từng tốn không ít giấy mực của các cơ quan báo chí - lại trở thành chủ đề hót của các phương tiện thông tin đại chúng. Một trinh sát biên phòng đã trực tiếp tham gia phá vụ án kể lại: Ngay sau khi được đặc xá về nước, Xiêng Phênh "di cư" về thủ đô Viêng Chăn (Lào) sinh sống với người vợ thứ hai.
Với sự giúp sức đắc lực của cậu con rể (đối tượng đã chạy thoát trong khi Xiêng Phênh bị bắt giữ) và những người thân trong gia đình, Xiêng Phênh tiếp tục móc nối với các "bố già" ở khu vực Tam giác vàng, hình thành đường dây mua bán ma túy. Xiêng Phênh thể hiện đẳng cấp của một tên trùm, cùng lúc, anh ta có thể gom được hàng trăm cặp heroin, vì thế nguồn hàng của Xiêng Phênh vô cùng phong phú.
Vào thời điểm bị bắt, Xiêng Phênh đang sở hữu một khối tài sản kếch sù. Tại nhà của Xiêng Phênh luôn có 8 chiếc ôtô đắt tiền. Mỗi khi giao hàng, Xiêng Phênh và các đối tượng thường sử dụng cùng lúc rất nhiều chiếc xe nhằm đánh lạc hướng đối phương. Và lần trở lại này, Xiêng Phênh vẫn tỏ rõ vị trí trùm sò khi chỉ giao dịch những thương vụ lớn…
Song do một lần chết hụt nên Xiêng Phênh rất cảnh giác. Hắn chỉ giao hàng cho các đối tác quen sau khi đã thử thách. Các khâu giao, nhận hàng luôn được diễn ra chóng vánh theo phương thức "tiền trao, cháo múc". Điều đặc biệt là trong các thương vụ làm ăn phi pháp ấy, Xiêng Phênh chẳng bao giờ đếm tiền. Hắn chỉ kiểm tra xem đó là tiền thật hay tiền giả.
Xiêng Phênh còn tuyên bố với khách sẵn sàng giao hàng ở bất cứ chỗ nào trên đất Lào, nhưng tuyệt đối không sang Việt Nam. Tuy nhiên, mọi hành tung của Xiêng Phênh đã không qua khỏi con mắt dày dạn nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam và Công an Lào.
Cuối tháng 3/2012, khi lần theo đường dây ma túy từ khu vực Tam giác vàng trung chuyển qua Viêng-chăn, Bô-ly-khăm-xay (Lào) sang Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo, các trinh sát rất bất ngờ khi biết Xiêng Phênh là kẻ cầm đầu. Cục PCTPMT và BĐBP Hà Tĩnh chỉ đạo đây là đối tượng buôn ma túy thuộc dạng cáo già có rất nhiều kinh nghiệm nên phải hết sức cẩn thận.
Quá trình trinh sát cũng như đường đi nước bước phá án phải tính toán rất kỹ lưỡng bởi một lần bị bắt giữ, Xiêng Phênh rất hiểu người Việt Nam, hiểu đặc điểm người Việt Nam, hiểu tính cách và phương thức đánh án của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Đại tá Vũ Mạnh Thường, Trưởng phòng PCMT BĐBP Hà Tĩnh là người rất thông thạo địa bàn cùng các trinh sát hóa trang bí mật theo sát hành tung của Xiêng Phênh. Căn cứ từ tài liệu thu thập được và thông tin báo cáo của BĐBP Hà Tĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, Cục trưởng Cục PCMT, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo, phối hợp cùng Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) phá án. Yêu cầu đặt ra của Ban chỉ đạo chuyên án là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giành thắng lợi.
Sáng 8/4/2012, Xiêng Phênh phóng xe ôtô đến một khách sạn ở Pạc-xan, tỉnh Bô-ly-khăm-xay mang theo một bánh heroin để "tiếp thị" và thăm dò tình hình. Xe ôtô của con rể Xiêng Phênh chở toàn bộ số hàng đi phía sau.
Tại khách sạn, sau khi mặc cả giá, Xiêng Phênh quay lại xe ôtô của con rể xách túi hàng mang vào khách sạn. Ngay lập tức, các trinh sát Công an Lào và lực lượng BĐBP Việt Nam ập tới bắt giữ hắn cùng toàn bộ tang vật 39 bánh heroin. Nhận ra lực lượng BĐBP Việt Nam, Xiêng Phênh không thốt lên được một tiếng nào.
Khi tra khóa số 8 vào tay hắn, Xiêng Phênh thốt lên: "Tôi biết tôi đã phạm tội rồi. Xin các anh đừng trói chặt quá". Phía ngoài, thấy động, con rể Xiêng Phênh phóng xe bỏ chạy. Để đảm bảo an toàn, Ban chuyên án đã áp giải Xiêng Phênh về cửa khẩu Cầu Treo để khai thác nhanh, sau đó bàn giao cho phía Công an Lào tiếp tục khai thác mở rộng.
Xiêng Phênh - chuyện bây giờ mới kể
Trong quá trình tìm hiểu, viết vụ án này, ngoài các đơn vị nghiệp vụ như Cục Hồ sơ Cảnh sát Bộ Công an, Phòng Hồ sơ Công an TP Hà Nội, tôi cũng tìm gặp các điều tra viên đã trực tiếp hỏi cung Xiêng Phênh. Một trong số đó là Thượng tá Nguyễn Trần Giang, điều tra viên cao cấp, Đội trưởng Đội 5, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội.
Thượng tá Giang kể lại: Khi tiến hành điều tra vụ án Vũ Xuân Trường, Công an Hà Nội phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là đưa Xiêng Phênh lên Điện Biên đối chất với Xiêng Nhông (khi đó Xiêng Nhông bị Công an Điện Biên bắt giữ trong vụ vận chuyển heroin từ Lào qua Điện Biên tiêu thụ).
Lần đầu tiên đưa một đối tượng đang có án tử hình ra ngoài trại giam phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, và lại đi xa như vậy nên yêu cầu đảm bảo an toàn được đặt ra hàng đầu. Nhóm cán bộ Đội Điều tra trọng án Công an Hà Nội cũ được trang bị đầy đủ vũ khí để sẵn sàng, chủ động chiến đấu trong mọi tình huống.
Theo kế hoạch, Xiêng Phênh được đưa lên Điện Biên bằng máy bay. Khi xuống sân bay Điện Biên Phủ, Công an Điện Biên cho xe ôtô ngụy trang ra đón và đưa Xiêng Phênh vào trại giam. Vài ngày sau, khi đã hoàn tất việc đối chất giữa Xiêng Phênh và Xiêng Nhông, Xiêng Phênh được đưa ra sân bay để về Hà Nội.
Trưa hôm đó, trong lúc đợi máy bay, cả đoàn đã dừng ở cầu Mường Thanh cho Xiêng Phênh ăn trưa. Theo đề nghị của Xiêng Phênh, một mâm cơm thịnh soạn đã được các điều tra viên góp tiền mua cho anh ta. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho Xiêng Phênh, đề phòng việc có thể bị đồng bọn tìm cách thủ tiêu, mâm cơm này được bê lên xe thùng cho Xiêng Phênh. Xiêng Phênh ngồi trên sàn xe đánh chén ngon lành trong khi cán bộ điều tra căng thẳng bảo vệ vòng ngoài. Khi đưa Xiêng Phênh trở lại Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội an toàn, tổ công tác mới thở phào nhẹ nhõm.
"Hai món ăn mà anh ta thích nhất là trứng và măng", Thượng tá Giang nhớ lại. Hồi đó, mỗi lần vào hỏi cung Xiêng Phênh, cán bộ điều tra đều bỏ tiền túi ra thết đãi Xiêng Phênh cơm trưa. Và thực đơn bao giờ cũng có hai món này. Trứng rán, trứng luộc, trứng ốp lếp… đủ kiểu. Xiêng Phênh đón nhận bữa ăn với sự hoan hỉ ra mặt và không quên cảm ơn cán bộ điều tra.
Gặp Xiêng Phênh trong buổi lễ đặc xá tại Trại giam Thanh Xuân (Bộ Công an) đợt Quốc khánh 2/9/2010, ấn tượng của cánh phóng viên chúng tôi là nụ cười tươi rói, lành hiền trên gương mặt trắng hồng của Xiêng Phênh. Khi ấy, nếu ai hỏi gì Xiêng Phênh cũng chỉ cười. Trước khi trở về nước, Xiêng Phênh đã cảm ơn sự khoan hồng của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam rất nhiều.
Xiêng Phênh hứa hẹn sau khi về nước, anh ta sẽ làm ăn lương thiện. Lời hứa của Xiêng Phênh, một kẻ từng thoát chết nơi pháp trường dễ khiến người ta tin đó là thật. Bởi chỉ những ai ở trong giây phút cận kề cái chết mới biết quý mạng sống đến thế nào. Thế nhưng vì lợi nhuận, Xiêng Phênh đã làm ngược lại những lời hứa ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.