Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm

Thanh Tàu| 08/01/2018 11:52

(HNMO) - Hôm nay 8-1, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại một số ngân hàng.

Bị cáo Phạm Công Danh tại TAND TP Hồ Chí Minh sáng ngày 8-1-2018.


Trong vụ án này, có 46 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB); Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank); Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) và 42 đồng phạm.

Ngoài ra, hơn 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người liên quan.

Hội đồng xét xử cũng triệu tập hơn 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đến tòa, trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà; ông Trần Quý Thanh, Chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng con gái Trần Ngọc Bích; bà Hứa Thị Phấn; bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank), Đỗ Minh Phú (Chủ tịch TPBank)...

Cũng trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, Hội đồng xét xử mời 140 người liên quan. Trong đó, ở Sacombank có các ông Phan Đình Tuệ, Đào Nguyên Vũ (Phó Tổng Giám đốc); các lãnh đạo TPBank có Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Hưng (Tổng Giám đốc), Phạm Đông Anh, Khúc Văn Họa, Lê Hồng Nam (cùng Phó Tổng Giám đốc)...; ngân hàng BIDV có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), các Phó Tổng Giám đốc Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang và một số lãnh đạo BIDV chi nhánh Gia Định, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, bị cáo Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó, vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị các ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh sử dụng cho mục đích cá nhân.

Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.

Bị cáo Phan Thành Mai đã trực tiếp chỉ đạo các nhân viên VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Phạm Công Danh. Bị cáo Trầm Bê là người dẫn bị cáo Danh gặp bị cáo Phan Huy Khang trao đổi về việc Phạm Công Danh vay hơn 1.800 tỷ đồng qua các công ty của Danh. Hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh nhưng phía Sacombank không thẩm định, không kiểm tra. Sau khi cho vay, Ngân hàng Sacombank không theo dõi, bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định.

Trước đó, vào tháng 1-2017, kết thúc phiên xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại VNCB, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù, bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 9-2-2018. Đặc biệt, có 46 bị cáo trong đại án Phạm Công Danh không còn phải đứng trước vành móng ngựa, theo quy định tại Thông tư 01-2017 của TAND tối cao. Thay cho vành móng ngựa là bục khai báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.