Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim truyện “Biệt động Sài Gòn”: Vĩ thanh buồn

TUANPHONG| 12/05/2009 07:09

(HNM) -

(HNM) - "Biệt động Sài Gòn" đã từng tạo nên diện mạo khá ấn tượng của điện ảnh Việt Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng 25 năm sau khi bộ phim ra mắt (năm 1987), nhà báo Nguyễn Thanh, một trong hai người tạo ra hồn cốt (kịch bản) của bộ phim, đã khởi kiện nhà biên kịch Lê Phương về bản quyền. Ngày 11-5-2009, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án này.

Hồ sơ… của ký ức buồn

Ảnh: TTXVN

Xin không nhắc lại nhiều nội dung vụ kiện mà Hànộimới và nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin. Ở phiên xét xử này, không có thêm chứng cứ gì mới từ cả hai phía nguyên đơn và bị đơn. Nhà báo Nguyễn Thanh vẫn giữ nguyên ý kiến yêu cầu kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" (trước là "Thành phố gọi những tình yêu", sau đó ông Phương lấy chữa thành "Những thiên thần ra trận") phải đứng tên một mình ông và yêu cầu ông Lê Phương cùng Hãng Phim truyện Việt Nam bồi thường về vật chất, danh dự tới hơn 74 tỷ đồng.

Ông Lê Phương thì khẳng định: Khi gặp Nguyễn Thanh lần đầu đề nghị cộng tác, ông đã đưa đề cương cốt truyện bộ phim. Ông Thanh viết không đạt, ông phải sửa lại. Khi lấy nhuận bút từ Hãng Phim truyện Việt Nam, ông Phương đã trả 1/3 tiền nhuận bút (tính theo công sức của ông Thanh) là 4.000 đồng…

Có thể thấy, "hồ sơ tranh cãi" giữa hai bên phần lớn là những ký ức không còn chứng cứ. Ông Phương không chứng minh được đã đưa cho ông Thanh đầy đủ 4.000 đồng; ông Thanh cũng không chỉ ra được vì sao ông không phản ứng suốt bao nhiêu năm nay, cả khi một số báo, tạp chí, đơn vị xuất bản… in kịch bản, truyện phim này mà không ghi tên ông, hoặc không trả nhuận bút đầy đủ?...

Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên: Kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" là tác phẩm chung của Lê Phương và Nguyễn Thanh. Ông Lê Phương phải thanh toán cho ông Thanh 9.072.000 đồng nhuận bút (kịch bản đứng tên chung, nên nhuận bút phải chia hai, ông Phương còn thiếu 4.800 đồng nhuận bút cộng với ½ phần nhuận bút 1.250 đồng từ báo SGGP chưa đưa cho ông Thanh, tương đương với 6.050 đồng, quy đổi qua số ki-lô-gam gạo, thành 9.072.000 đồng). Hãng Phim truyện Việt Nam không có trách nhiệm bồi thường cho ông Thanh.

Ra về, ông Thanh không đồng ý với bản án; ông Phương thì chán ngán, muốn "dẹp nó đi". Họ vẫn còn 15 ngày kháng cáo, nhưng dù ai thắng, ai thua thì vẫn là một vĩ thanh buồn.

Phía sau… hai bóng già

Có thể thấy, Hội đồng xét xử đã xem xét, cân nhắc tình, lý cả hai phía. Nếu ông Lê Phương chấp nhận trả hơn 9 triệu nhuận bút cho ông Nguyễn Thanh có lẽ cũng không ai cho rằng ông đã "lấy của bạn làm của mình". Bởi lẽ khi hai tập phim 3 và 4 được viết tiếp, mặc dù không có sự hợp tác của Nguyễn Thanh ông vẫn đề tên hai người. Nhưng "sự bức xúc" của nhà báo Nguyễn Thanh cũng đáng "bận tâm" lắm. Đã có sự chủ quan của cả hai; đã có sự không rõ ràng, không nói lại với nhau cho trọn vẹn khi trao đổi quyền tác giả, trả tiền nhuận bút kịch bản, in báo. Lê Phương đã thông báo cho Nguyễn Thanh đến lấy một phần nhuận bút từ báo SGGP (cho dù Nguyễn Thanh không tới lấy) thì sao không quay lại đến cùng để gửi và nói cho bạn rõ?!

Hai bóng già (Nguyễn Thanh đang ốm, tiền án phí phải xin miễn giảm) nên đi về phía bờ vui, thay vì đuổi theo tranh cãi. Nhưng có những đại diện phải suy nghĩ. Vì sao đơn vị liên quan là NXB Thanh Hóa, Hội VHNT Long An (nơi kinh doanh tác phẩm của hai tác giả không trả tiền nhuận bút) không có mặt? Chuyện hôm qua có thể sẽ quên. Nhưng còn bài học cho hôm nay? VHNT trong cơ chế thị trường và hội nhập cũng nghiệt ngã lắm. Giả sử nguyên đơn là một cá nhân, tổ chức nước ngoài dày dạn về Luật Bản quyền, họ nắm trúng "gót Asin" của ta, thậm chí chủ động trong thưa kiện thì làm thế nào? Thói quen không đăng ký bản quyền cũng như lưu giữ tác phẩm để tự bảo vệ mình của văn nghệ sĩ có cần thay đổi?

"Biệt động Sài Gòn" cũng như nhiều công trình VHNT thấm mồ hôi lao động của bao người lẽ ra không thể rơi vào một vĩ thanh buồn như thế!

Hà Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim truyện “Biệt động Sài Gòn”: Vĩ thanh buồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.