(HNM) - Danh hiệu và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng, tâm huyết, có công gìn giữ, truyền dạy, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể đã được bàn nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách thỏa đáng.
Tuy nhiên, những trao đổi tại hội thảo được Bộ VH,TT&DL tổ chức ngày 10-4 cho thấy, dự thảo này còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế.
Những người có tài năng, tâm huyết, có công gìn giữ và truyền dạy các loại hình văn hoá phi vật thể cần được đãi ngộ đúng mức. Ảnh: Ngọc Thắng |
Không thể chậm trễ
Sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi, mang theo "gia tài" hát xẩm khổng lồ sang bên kia thế giới, chuyện phong tặng danh hiệu và chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân lại được bàn luận rôm rả. Người thì đổ lỗi cho ngành văn hóa thờ ơ, vô cảm, người lại phân tích sự bất cập, chồng chéo của chính sách… Dù có nhiều luồng ý kiến khác nhau, song rõ ràng có một thực tế ai cũng phải thừa nhận là rất nhiều người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể mà UNESCO gọi là "báu vật nhân văn sống" lại sống lay lắt, "uống nước lã" truyền dạy cho thế hệ sau.
Trong một lần trò chuyện cùng phóng viên Hànộimới, cụ Nguyễn Thị Khướu, CLB Ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cho biết: "CLB Ca trù Chanh Thôn duy trì sinh hoạt đều đặn, liên tục mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ nhưng không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào. Phần lớn kinh phí hoạt động do các thành viên CLB đóng góp. Khi luyện tập để đi biểu diễn, các cháu thiếu nhi được bồi dưỡng 5.000 đồng/buổi, còn nghệ nhân được trả "thù lao" 15.000 đồng/buổi". Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu ngày còn sống được nhận bằng phong tặng Nghệ nhân Dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với số tiền thưởng kèm theo là 700.000 đồng. Và đó là khoản tiền duy nhất, lớn nhất mà cụ nhận được từ Nhà nước. Ngày thường, cụ vẫn phải dùng giọng hát của mình để kiếm sống qua ngày. Cái nghèo khiến cụ không có điều kiện mở lớp dạy nên hầu hết học trò của cụ là những người yêu, mê giọng hát của cụ mà xin học. Nếu được quan tâm đầu tư, rất có thể hôm nay, chúng ta đã có nhiều thế hệ biết hát xẩm như ca trù hay quan họ.
Vá "lỗ thủng" cơ chế, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân ca quan họ cho 41 cá nhân tiêu biểu, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng cho mỗi người. Tương tự, năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ xét tặng công nhận 34 nghệ nhân hát xoan, người già nhất là 107 tuổi, trẻ nhất là 61 tuổi. Sau thời gian ngắn được vinh danh, hai người đã ra đi, số nghệ nhân đủ sức khỏe và khả năng truyền dạy chỉ còn lại 8 người. Như vậy, Di sản hát Xoan rất khó thoát khỏi tình trạng "cần được bảo vệ khẩn cấp".
Di sản hát Xoan cần được bảo vệ khẩn cấp.Ảnh: Đông Hoa |
Hai mươi năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho 320 trường hợp nhưng con số trên chỉ như "muối bỏ biển". Hiện Cục Di sản văn hóa đã nhận được hơn 300 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Thực tế trên cho thấy, việc Chính phủ xây dựng Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng NNND, NNƯT tuy muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Cần dựa vào cộng đồng
Khẳng định sự cần thiết sớm ban hành nghị định song GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhấn mạnh: Dự thảo Nghị định quy định đối tượng xét tặng phải có thời gian thực hành, phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ từ 25 năm trở lên đối với danh hiệu NNND, 20 năm trở lên đối với NNƯT (khoản 7, Điều 6) là chưa phù hợp. Rất nhiều người trẻ có tài thì tại sao không khuyến khích cho tài năng nở sớm mà bắt họ chờ tới 20 năm? Quy định mang tính hành chính có thể khiến ai đó "khai man" số năm hoạt động nghệ thuật để được vinh danh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội người yêu quan họ Bắc Ninh, phản ánh: "Tỉnh Bắc Ninh quy định người được phong nghệ nhân quan họ phải có tuổi đời từ 80 trở lên là hết sức vô lý. Trong đợt xét tặng đầu tiên, nghệ nhân quan họ trẻ nhất đã 83 tuổi, già nhất hơn 100 tuổi. Họ đều là những người xứng đáng được tôn vinh nhưng tuổi cao sức yếu, răng rụng hết, nói còn khó nghe thì làm sao hát và truyền dạy được".
Từ kinh nghiệm 20 năm xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, GS Tô Ngọc Thanh đề xuất quy trình, thủ tục xét tặng nên đơn giản hóa bởi đa phần nghệ nhân đã già yếu, có người lại không biết chữ. Hơn thế, việc xét tặng nên dựa vào đánh giá của cộng đồng hoặc các hội, CLB mà người đó tham gia sinh hoạt, bởi không ai hiểu tài năng và sự cống hiến của họ hơn những tổ chức này. Thực tế, tỉnh Phú Thọ đã coi ý kiến đánh giá của cộng đồng là tiêu chí quan trọng nhất để xét tặng danh hiệu nghệ nhân mà không ai kiện cáo, thắc mắc.
Ý kiến của PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân cho rằng: "Nghị định nên có quy định cụ thể cho nghệ nhân được biết, tránh quy trình xét phức tạp về sau, tránh thất thoát như một số trường hợp trợ cấp chính sách khác". Còn Nghệ nhân quan họ Tạ Thị Hình, thôn Bồ Sơn, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), bày tỏ: "Thời kháng chiến, buộc cây chuối lại làm thuyền chúng tôi vẫn hát vì tình yêu quan họ chứ không phải vì mong chờ một ngày nào đó được vinh danh. Tuy nhiên, hầu hết nghệ nhân sống ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, nếu Nhà nước vinh danh NNND, NNƯT kèm theo chế độ đãi ngộ hợp lý sẽ giúp họ có điều kiện lao động và cống hiến tốt hơn". Đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Nhìn nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) nhấc từng bước chân khó nhọc, nói không còn rõ lời nhưng vẫn cố hết sức cùng người cháu đến hội thảo nói lời tâm huyết đủ để thấy các nghệ nhân mong mỏi được Nhà nước ghi nhận đến mức nào. Dư luận kỳ vọng lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên rằng: "Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sau đó trình Chính phủ ban hành trong năm 2013" sẽ không còn là lời nói suông như nhiều lần những người có trách nhiệm của Bộ VH,TT&DL từng hứa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.