Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét duyệt danh sách đề nghị đặc xá năm 2013

Lê Sơn| 19/08/2013 17:20

Sáng nay (19/8), tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã họp phiên thứ 1 xét duyệt danh sách từng phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá vào ngày 2/9/2013.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá, chủ trì phiên họp.

Hội đồng Tư vấn đặc xá đã họp phiên thứ 1 xét duyệt danh sách từng phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá vào ngày 2/9/2013. Ảnh VGP/Lê Sơn


Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, nhân đạo và khoan hồng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Năm nay, nhân dịp Quốc khánh 2/9, thực hiện Luật Đặc xá, ngày 20/7/2013, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1251/2013/QĐ-CTN về đặc xá năm 2013. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, mặc dù trong thời gian rất gấp, các bộ, ngành liên quan và các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá đã rất cố gắng, khẩn trương chỉ đạo, tích cực triển khai Quyết định của Chủ tịch nước, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra.

Để việc xét duyệt danh sách bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Tư vấn phải xem xét từng người một với quy trình chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá. Việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá tha tù trước thời hạn phải được tiến hành công khai, minh bạch, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý: Cùng với việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật, cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân để xoá bỏ mặc cảm, kỳ thị đối với người được đặc xá.

Đồng thời cần làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế-xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ta đã thực hiện 4 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 48.053 phạm nhân và 601 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Những năm qua, công tác đặc xá đã góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Điều đáng quan tâm nhất là tỷ lệ tái phạm của người được đặc xá thấp hơn rất nhiều so với người được tha tù trong trường hợp bình thường. Điều đó cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về đặc xá; là cơ sở quan trọng để đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xét duyệt danh sách đề nghị đặc xá năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.