(HNMO)- Vào 14h ngày 16/4/2011, tại trung tâm TPD (22A, Hai Bà Trưng, HN), sẽ diễn ra chương trình “Từ sách lên màn ảnh”. Trong chương trình này, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội xem miễn phí tác phẩm điện ảnh “The Reader” của đạo diễn Stephen Daldry.
(HNMO)- Vào 14h ngày 16/4/2011, tại trung tâm TPD (22A, Hai Bà Trưng, HN), sẽ diễn ra chương trình “Từ sách lên màn ảnh”. Trong chương trình này, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội xem miễn phí tác phẩm điện ảnh “The Reader” của đạo diễn Stephen Daldry. Ngoài ra, còn có cơ hội giao lưu với hai vị khách mời: Nhà phê bình văn học Hoài Nam (Đài THVN) và Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn (TC Thế giới điện ảnh) về hiểu rõ hơn vấn đề chuyển thể tác phẩm từ tiểu thuyết lên màn ảnh.
Bộ phim “The Reader” (Người đọc), được làm nhấn sâu hơn vào mối tình dị biệt giữa hai nhân vật chính, Hanna Schmitz và Michael Berg, với cung bậc say đắm, lãng mạn nhưng càng về cuối, bộ phim đẩy cao các tình huống đặt câu hỏi, tra vấn lịch sử và đạo đức, mà đa số chúng đều vượt qua sức chịu đựng của cá nhân riêng biệt nào. Chia các lớp lang thời gian, xử lí các khuôn hình rất chuẩn mực, vẻ đẹp hình ảnh có thể làm mờ những cảm nhận về tội ác, phim Người đọc dường như chú trọng nhiều hơn đến cảm hứng nhân văn và sự trải nghiệm của các thế hệ mà cuốn sách đặt ra. Sự nhập vai tuyệt vời của Kate Winslet (vai Hanna) - đoạt giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, cũng là yếu tố thu hút khán giả. Rút cuộc, xem phim, người ta, thêm một lần nữa, thấy cần phải đọc lại cuốn sách như lời mời gọi khó cưỡng, để thêm tán dương cả hai rằng đó là nghệ thuật bậc cao đích thực.
Còn về cuốn tiểu thuyết “The Reader” thì nói về bối cảnh thời Đức quốc xã, một chế độ hãi hùng bậc nhất, thường được nêu tội ác do lập ra hệ thống trại tập trung, có lẽ là vết chàm đối với nhiều thế hệ người Đức, kể cả khi họ không phải là chứng nhân hay đương sự can dự vào giai đoạn lịch sử đen tối đó. Bernhard Schlink, tác giả tiểu tiểu thuyết Người đọc (The Reader, 1995), đã trở lại với vết thương quá khứ, không chỉ bằng kí ức được thả lỏng nên thật khó che giấu trong giọng điệu tự thuật nghiêm cẩn, xúc động, mà còn bằng quan điểm và tâm tính của người luật sư, nghề nghiệp ông đương làm, nên thật dễ dàng nhận ra ánh nhìn phán xét, minh giải tội lỗi và các cảm giác đi liền cùng nó, là sự hổ thẹn, dằn vặt, đau đớn… Người đọc cho thấy không có nhiều cơ hội để chạy trốn quá khứ nhưng ít nhất, người trong cuộc đã kể lại nó, để hiện tại dù bi ai hay hạnh phúc, thì vẫn chứa đựng một sự giải thoát hữu ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.