Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem người Nhật “làm” bóng đá

Minh An| 18/07/2015 06:05

(HNM) - Ngày tôi sang Nhật Bản, anh bạn đang làm việc ở đây bảo:

Dễ như mua vé ở cửa hàng tiện ích

Vào trang web của Verdy Tokyo chỉ thấy toàn tiếng Nhật, muốn mua vé xem ra khó. Gọi cho anh bạn ở Nhật Bản đã lâu thì được trấn an ngay: "Ông cứ yên tâm. Rồi ông sẽ thấy mua vé dễ thế nào". Một tuần trước trận đấu Verdy Tokyo - Avispa Fukuoka ở vòng 21 Giải hạng nhất Nhật Bản, bạn dẫn tôi đến cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống Family Mart để… mua vé. Hóa ra, ở đây chẳng riêng bóng đá hay bất cứ môn thể thao nào khác, mà các dịch vụ giải trí, tàu, xe… đều có thể đến siêu thị hay cửa hàng tiện ích để mua vé thay vì phải đến tận quầy vé hay mua trên mạng. Tại đây, người ta đặt một máy nhận và xử lý lệnh mua của khách. Sau khi làm một số thao tác đơn giản, người mua nhận một hóa đơn rồi mang tới quầy thanh toán để trả tiền, nhận vé. Hết khoảng 5 phút, tôi đã có tấm vé trong tay, chỉ chờ ngày tới Sân vận động (SVĐ) Ajinomoto, nơi diễn ra trận đấu của Verdy Tokyo - một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất ở Nhật Bản. Đội bóng này được thành lập vào năm 1969 và là số ít CLB Nhật Bản đạt được 25 danh hiệu vô địch, trong đó có cả chức vô địch giải đấu cấp độ cao nhất Châu Á (AFC Champions League).

Khán giả trong màu áo xanh cổ vũ đội nhà Verdy Tokyo thi đấu.


Trong quá khứ, nhiều danh thủ hàng đầu Nhật Bản từng thi đấu ở đây trong đó nổi nhất là Kazuyoshi Miura - được xem là huyền thoại bóng đá Nhật Bản. Có lẽ vì vậy Verdy Tokyo (đang ở nhóm giữa của giải hạng nhất) vẫn có sức hút riêng. Một trận đấu trên sân nhà của đội vẫn có khoảng 5.000 khán giả. Đấy là điểm đáng ghi nhận bởi ở Nhật Bản, bóng đá xếp sau Sumo và bóng chày về độ hấp dẫn. Cũng vì thế vé xem đội bóng này thi đấu trên sân nhà không hề rẻ, ít nhất là 2.500 yen (khoảng 450.000 đồng)/vé, nhiều nhất là 5.000 yen (khoảng 900.000 đồng)/vé.

Có điều, kể cả trang web của CLB bóng đá Verdy Tokyo lẫn máy bán vé ở các siêu thị hầu hết là tiếng Nhật. Khách nước ngoài không biết tiếng Nhật có thể gặp những bất tiện nhỏ, phải nhờ nhân viên cửa hàng xử lý hộ. Thế nhưng trong xu hướng Nhật Bản đang ngày càng rộng cửa với khách nước ngoài để tăng nguồn thu theo chủ trương của chính phủ nước này thì sự xuất hiện của tiếng Anh ở mảng dịch vụ chắc sẽ sớm trở nên phổ biến. Như chuyện ở hệ thống tàu điện. Cách đây khoảng 7-8 năm, không có tiếng Anh trên các chuyến tàu khiến hành khách khá khó khăn để xác định ga đến. Nhưng rồi vài năm gần đây, tiếng Anh, tiếng Nhật cùng xuất hiện ở trên màn hình tại cửa tàu, phản ánh một xu thế hướng ngoại nhiều hơn của đất nước Mặt trời mọc.

Chuyên nghiệp, kỷ luật và luôn biết ơn

Để đến SVĐ Ajinomoto, nơi Verdy Tokyo cùng chọn làm sân nhà với FC Tokyo (đội bóng cùng thành phố đang thi đấu ở hạng đấu cao nhất bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản), cũng không quá phức tạp. Đi từ ga Shinjuku - một trong những ga lớn nhất ở Tokyo, chỉ một lần chuyển tàu ở ga Chofu để đến ga Tobitakyu rồi đi bộ 5 phút là đến sân Ajinomoto. Với khoảng 30 phút di chuyển (nếu là đi tàu Semi Express hoặc Special Express - loại tàu nhanh, dừng đỗ ít ga hoặc đến thẳng Chofu) cùng tấm vé giá 240 yen, bạn đã có mặt ở SVĐ có sức chứa gần 50.000 khán giả này. Buổi chiều đầu tháng 7 diễn ra trận đấu Verdy Tokyo - Avispa Fukuoka có mưa nặng hạt nhưng nhiều cổ động viên với áo, khăn quàng màu xanh lá cây (màu áo thi đấu truyền thống của CLB) vẫn đổ về Sân Ajinomoto. Nói như một cổ động viên của Verdy Tokyo tên là T.Daisuke mà tôi gặp trên tàu điện thì: "Chẳng gì có thể ngăn cản chúng tôi đến sân cổ vũ đội nhà. Mưa to thế này chứ mưa to nữa thì cũng là chuyện nhỏ".

Trước khi vào sân, như thói quen, nhiều người tạt vào cửa hàng lưu niệm ở cổng chính SVĐ. Ở cửa hàng này bán cả đồ lưu niệm của FC Tokyo lẫn Verdy Tokyo. Dường như là "phận nhỏ" nên gian hàng lưu niệm của Verdy Tokyo ở tầng trệt. Đồ lưu niệm cũng không phong phú, đa dạng như những cửa hàng lưu niệm của các CLB bóng đá Anh như Arsenal, Chelsea hay Tottenham mà tôi đã có dịp lui tới. Bởi bán đồ lưu niệm ở các CLB này thực sự mang đến một nguồn thu đáng kể nên sản phẩm có đủ loại, từ đồ gia dụng đến trang phục thi đấu, tập luyện như áo gió, quần áo ngủ, khăn, mũ, đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức, ly rượu, bút… đem lại cho khách hàng nhiều lựa chọn. Còn ở đây, mặt hàng chính vẫn chỉ là trang phục liên quan như áo đấu, áo cổ vũ có logo đội bóng có giá từ hơn 2.000 yen đến trên 5.000 yen/chiếc.

Qua cửa soát vé, mỗi khán giả được người của CLB tặng ngay một chiếc khăn lau mồ hôi đặt trong túi nilon có thêu tên CLB Verdy Tokyo cùng một tờ rơi về trận đấu của CLB được in màu cực đẹp, có sử dụng một số từ tiếng Anh. Trên đó, một mặt là hình ảnh ngôi sao Masao Kento của CLB cùng bảng xếp hạng giải đấu hạng nhất mà Verdy Tokyo đang tham dự. Mặt sau của tờ rơi giới thiệu đội hình dự kiến của cả Verdy Tokyo lẫn Avispa Fukuoka cùng danh sách, số áo, ngày tháng năm sinh của các cầu thủ chủ nhà. Ngoài ra, còn có thêm bảng thống kê số lần vào sân, số thẻ vàng từ đầu mùa giải của từng cầu thủ Verdy Tokyo cùng nhiều số liệu liên quan đến trận đấu. Nhờ sự kỹ lưỡng, cẩn thận đến từng chi tiết - một đặc trưng của người Nhật Bản, đến một người còn ít thông tin về đội bóng này như tôi cũng dễ dàng theo dõi, nắm bắt dữ liệu trận đấu.

Qua cửa soát vé, nếu chưa muốn vào khán đài, người xem có thể chơi trò tung gối khá vui và dù không thành công thì cũng được nhận tặng quà là gói giấy ăn. Vào sân bóng, khi trận đấu còn khoảng 45 phút là đến giờ thi đấu, cảnh tượng thú vị đập vào mắt tôi là hàng trăm trẻ nhỏ được bố mẹ đưa vào sát sân để xem các cầu thủ khởi động. Đó dường như là cách nuôi dưỡng tình yêu với bóng đá, với CLB của các em nhỏ để rồi sau này Verdy Tokyo sẽ có một lượng cổ động viên trung thành nhất định. Đến khi cầu thủ ngừng khởi động, các em mới rời sân trong sự mãn nguyện khi được tận mắt thấy những cầu thủ mình yêu thích. Trên khán đài, trong gần 5.000 khán giả, có không ít gia đình đủ cả vợ chồng con nhỏ, hay hình ảnh những bà mẹ ở tuổi trung niên và các cô con gái. Họ mặc áo hoặc quàng khăn theo màu áo của CLB. Và ấn tượng hơn cả là cách cổ vũ của cả nghìn khán giả tập trung phía sau cầu môn. Họ nhảy, hò hát cũng như vỗ tay, đọc theo nhịp những bài cổ vũ đội bóng trong suốt trận đấu. Với cách cổ vũ cuồng nhiệt, chuyên nghiệp như vậy, đội bóng như được tiếp thêm "lửa" trong suốt quá trình thi đấu. Đó là điều tôi và nhiều người luôn thèm khát khi xem một trận đấu ở Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trận đó, Verdy Tokyo bị dẫn bàn vào cuối hiệp 1, nhưng nhịp điệu cổ vũ trên khán đài vẫn không thuyên giảm mà trái lại. Cuối cùng, khán giả cũng không uổng công cổ vũ khi vào cuối trận Verdy Tokyo gỡ hòa 1-1 trên chấm 11m.

Trong trận đấu ấy, công nghệ còn được người Nhật tận dụng tối đa, trong đó 2 màn hình chính đặt sau cầu môn được phát huy hết công suất. Khi BTC giới thiệu cầu thủ, màn hình hiện lên hình ảnh của từng người. Khi cơ hội ghi bàn bị bỏ lỡ hoặc bàn thắng được ghi, BTC đều phát lại trên màn hình để khán giả tiện xem. Khi xảy ra tình huống việt vị hoặc đá phạt, màn hình cũng hiện lên các dòng chữ tiếng Anh báo hiệu tình huống như "off side" (việt vị), "free kick" (đá phạt) được thiết kế khá sinh động. Thỉnh thoảng, để động viên đội nhà, BTC bắn lên màn hình dòng chữ "Come on!! Verdy!!" (Tiến lên Verdy Tokyo).

Khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài cất lên, cầu thủ và những người điều hành vẫn chưa kết thúc ngày làm việc của mình. Cầu thủ của Verdy Tokyo tập trung cả ở giữa sân chờ đợi cầu thủ ghi bàn trả lời phỏng vấn xong rồi đến từng phía khán đài để chào khán giả. Không có cái kiểu chào cho xong mà thay vào đó là cách chào chứa đầy sự biết ơn của một người bán hàng với người mua hàng. Tôi thật sự bất ngờ bởi ra khỏi cửa khán đài, trong ánh đèn màu xanh lá cây (màu áo thi đấu của CLB) thấy cả dãy người hâm mộ CLB đứng xếp hàng dài dằng dặc. Đến khi đi lên đầu hàng, tôi mới biết, nguyên nhân của sự "ùn tắt" ấy là do các thành viên của bộ phận điều hành, người có trách nhiệm trong CLB, xếp hàng hai bên để bắt tay cảm ơn từng cổ động viên Verdy Tokyo đã đến sân cổ vũ đội nhà cũng như nhận những lời động viên, góp ý của họ. Chính lúc này, người ta cảm nhận rõ nhất về sự gắn bó mật thiết giữa đội bóng và cổ động viên. Điều này khiến đội bóng giữ chân được người hâm mộ còn người hâm mộ thêm yêu đội bóng. Ngay tại cổng chính, một thành viên của CLB đứng trên bục cao liên tục gửi lời cảm ơn tới người xem và bày tỏ hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ. Đấy là những điểm khác nữa mà tôi chưa từng được chứng kiến trong làng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem người Nhật “làm” bóng đá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.