(HNM) - Nhiều người vì quá tin lời thầy bói đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm lễ giải hạn. Người không có điều kiện làm lễ giải hạn thì sống trong nơm nớp lo âu.
Người dân không nên tin vào kết quả bói toán. Ảnh: Linh Ngọc |
Sống trong lo sợ
Vừa mới đầu xuân, nhưng khuôn mặt chị Lê Thị Dung, ở tổ dân phố 6, phường La Khê (Hà Đông) lúc nào cũng ủ rũ. Hỏi ra mới biết, vợ chồng chị rất lo lắng sau khi đi xem bói thầy C. ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì). Thầy phán, năm nay chị bị sao Thái Bạch chiếu, trong tháng Giêng này sẽ gặp hạn lớn cần phải giải hạn ngay, nếu không có thể gặp tai nạn nặng; qua Rằm tháng Giêng chị còn bị một người sinh năm 1974 lừa mất tiền tỷ... Chị Dung tâm sự: “Những năm trước gia đình tôi không đi xem bói nên nếu có việc không hay xảy ra, tôi nghĩ đó là vận hạn. Thế nhưng năm nay đã trót đi xem bói, thầy lại phán như vậy nên tôi thấy lo lắng. Bây giờ đi đâu, làm gì cũng phải cẩn thận”.
Tương tự, mấy ngày qua chị Nguyễn Thị T. thôn Cao Bộ, xã Cao Viên (Thanh Oai) cũng luôn lo lắng vì năm 2017 gia đình chị không gặp may mắn, thuận lợi. Theo lời chị T. kể, sau khi xã tổ chức dồn điền đổi thửa, gia đình chị đã đầu tư gần 100 triệu đồng làm kinh tế trang trại. Do kinh nghiệm chưa có nhiều nên nuôi gà thì gà chết, nuôi lợn thì giá lợn lại rẻ... nên gia đình chị thua lỗ quá nhiều. Cuối năm 2017, vợ chồng chị sang phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) nhờ một thầy xem bói. Sau khi nghe vợ chồng chị kể đầu đuôi câu chuyện, thầy phán, mảnh đất vợ chồng chị đang ở có một ngôi mộ, để làm ăn may mắn, trong năm 2018 vợ chồng chị phải làm lễ giải hạn. Nếu nhờ thầy làm lễ tại nhà, chị phải chi khoảng 7 triệu đồng tiền mua sắm lễ, chưa kể chi phí cho thầy đi lại. “Tôi lo quá, nếu không làm lễ thì cũng thấy hoang mang, mà cố làm thì kiếm đâu ra 7 triệu đồng?” - chị T. bộc bạch.
Ngoài hai trường hợp trên, chúng tôi cũng gặp không ít cảnh ngộ buồn bã, lo lắng sau khi đi xem bói. Không ít gia đình đã chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí trăm triệu đồng để nhờ các thầy làm lễ giúp với mong muốn giải hạn để có thể làm ăn phát đạt, tránh được tật ách trong năm...
Cần xử lý nghiêm việc hành nghề mê tín, dị đoan
Được biết, trước thực trạng có nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để hành nghề mê tín, dị đoan, trong Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... được các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội ban hành nêu rõ: Cấm truyền đạo trái phép, kinh doanh, tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành và các hoạt động mê tín, dị đoan như xem bói, xem số, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà và các hình thức mê tín, dị đoan khác. Điều 320 - Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về tội hành nghề mê tín, dị đoan: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội làm chết người; thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương, không ít cá nhân vẫn hành nghề mê tín, dị đoan nhưng chưa bị xử lý.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Cao Viên (Thanh Oai) cho biết: Nhận thức rõ việc hành nghề mê tín, dị đoan là vi phạm pháp luật, năm 2017 vừa qua, UBND xã đã ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chúc thọ trên địa bàn, trong đó cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như xem bói, xem số, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà và các hình thức mê tín, dị đoan khác. Ngoài ra, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không tin vào kết quả bói toán, cũng không nên đi xem bói. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý các đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan cũng gặp không ít khó khăn, do các đối tượng không hoạt động thường xuyên, hơn nữa đây là vấn đề tâm linh, cả người hành nghề và người đến xem bói, gọi hồn... đều hoàn toàn tự nguyện. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm (Hà Đông) chia sẻ: Hằng năm, UBND phường đều có văn bản chỉ đạo các tổ dân phố tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan trên địa bàn. Theo đó, trong nhiều năm nay, tại các đình, chùa, lễ hội đầu xuân của các làng không xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan gây mất an ninh trật tự. Song, cũng phải thừa nhận, việc phát hiện, xử lý người hành nghề mê tín, dị đoan không dễ, bởi hầu hết các đối tượng đều hoạt động tại gia đình, tranh thủ xem vào những ngày Tết hoặc được người dân mời đến gia đình để xem...
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định tục đốt vàng mã và dâng sao giải hạn không hề có trong giáo lý nhà Phật. Còn theo một số chuyên gia, bói toán là những đoán định không có căn cứ khoa học. Do vậy người dân không nên tin vào kết quả bói toán, cũng không nên đi xem bói, bởi có thể "tiền mất, họa mang" và tiếp tay cho việc hành nghề mê tín, dị đoan trái phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.