Xe++

“Xe quốc dân” cạnh tranh doanh số gay gắt

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 11/10/2024 20:01

Tháng 9 vừa qua chứng kiến cuộc chạy đua doanh số gắt gao trở lại giữa các mẫu ô tô thuộc nhóm “xe quốc dân” tại Việt Nam, với vị trí đầu bảng thuộc về Mitsubishi Xpander.

vios202310jpg-1683690295.jpg
Người tiêu dùng trong nước có xu hướng chuộng các mẫu xe thực dụng trong giai đoạn mua sắm hiện nay. Ảnh: HL.

Trên thị trường xe trong nước hiện nay, khái niệm “xe quốc dân” được sử dụng để mô tả các mẫu ô tô hội tụ ba đặc tính: Giá thành thấp (so với phân khúc), tính thực dụng cao và có doanh số đặc biệt tốt. Sau nhiều biến động do nguồn cung và tình hình kinh tế vĩ mô, tháng 9 chứng kiến sự trở lại của loạt xe thuộc nhóm “quốc dân” trong các vị trí dẫn đầu.

Cụ thể, ở vị trí số 1 là chiếc Mitsubishi Xpander, ông "vua" của phân khúc xe đa dụng (MPV) tại Việt Nam, với 2.688 chiếc tới tay người tiêu dùng. Thành tích này của Xpander gây ấn tượng với giới chuyên môn, không chỉ vì vượt xa vị trí thứ hai là Mazda CX-5 (1.856 xe bán ra), mà còn gấp đôi đối thủ trực tiếp là Toyota Veloz Cross (thứ tám, 1.147 xe bán ra).

Theo một số đại lý ô tô, Xpander hiện được ưa chuộng chủ yếu nhờ khả năng đáp ứng được đáp nhu cầu thực dụng của cả hai nhóm khách hàng: Dịch vụ và gia đình, nhờ nội thất rộng rãi, tiết kiệm nhiên liệu, vừa tiền. Kiểu dáng trẻ trung và hiện đại cũng giúp xe có ưu thế trước những đối thủ cùng phân khúc. Trong tháng 9, nhiều đại lý Mitsubishi cũng hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho Xpander, khiến sức bán của dòng xe này không hề suy giảm.

Ba vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là Mazda CX-5 (thứ hai, 1.856 xe), Toyota Vios (thứ ba, 1.842 xe) và Mitsubishi Xforce (1.821 xe), với khoảng cách doanh số vô cùng hẹp.

Trong số này, việc CX-5 tiến lên vị trí thứ hai là diễn biến được dự báo trước, bởi mẫu xe này trong những tháng qua đã đều đặn “leo thang”, nhờ chính sách giá thấp hơn đáng kể các dòng sản phẩm cùng phân khúc.

kia-carnival-2024-ra-mat-viet-nam-anh1-1726577099121.jpg
Dù xếp cuối bảng trong tháng này, KIA Carnival nhiều tiềm năng "thăng hạng" nhờ việc vừa có thế hệ mới trong tháng 9. Ảnh: HL.

Về phần mình, Xforce duy trì sức bán nhờ thế mạnh xe mới ra mắt chưa lâu, kiểu dáng hiện đại và thương hiệu Mitsubishi đang được ưa chuộng.

Vị trí thứ ba của Vios cho thấy chiếc sedan cỡ nhỏ nhà Toyota vẫn là lựa chọn được yêu thích trong nhóm xe dịch vụ đô thị nhờ tính “lành” và độ tin cậy cao. Hai đối thủ chính cạnh tranh với Vios trong tháng này vẫn thuộc nhóm xe bán chạy, nhưng cách xa về kết quả kinh doanh, cụ thể là Honda City (thứ năm, 1.590 xe) và Hyundai Accent (thứ bảy, 1.290 xe).

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phiên bản mới của Accent chưa thực sự tạo ra cơn sốt như kỳ vọng của nhà sản xuất, trong khi Honda City đang phải cậy nhờ các chính sách ưu đãi để duy trì vị thế, bởi mẫu xe này đã có mặt trên thị trường được khá lâu.

Các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng lần này gồm: Ford Ranger (thứ sáu, 1.473 xe bán ra); Hyundai Creta (thứ chín, 1.068 xe bán ra); KIA Carnival (thứ mười, 1.023 xe bán ra).

Có thể thấy, doanh số các mẫu xe bán chạy nhất trong tháng vừa qua đều tăng mạnh theo xu hướng chung toàn thị trường, chủ yếu do những tác động của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; người tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục đặt niềm vào các dòng ô tô Hàn Quốc và Nhật Bản.

lnh05208.jpg
Dù gây nhiều chú ý, các dòng ô tô Trung Quốc chưa tạo dấu ấn doanh số trên thị trường Việt Nam. Ảnh: HL.

Bước vào giai đoạn cuối năm, cuộc đua giữa các mẫu xe có giá thành hợp lý và tính thực dụng cao sẽ còn tiếp diễn và ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh hầu hết đều đang được hưởng lợi từ ưu đãi lệ phí trước bạ, còn các nhà sản xuất rất nỗ lực tận dụng “gà nòi” nhằm khẳng định vị thế trên thị trường ô tô Việt Nam khi thời gian kinh doanh năm 2024 không còn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xe quốc dân” cạnh tranh doanh số gay gắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.