Xe++

Xe ô tô lắp ráp trong nước đã hưởng lợi từ chính sách ưu đãi phí trước bạ

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 12/07/2023 - 16:35

Kết quả kinh doanh tháng 6-2023 cho thấy, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ tuy chưa phải yếu tố hàng đầu thuyết phục người tiêu dùng tới với các phòng trưng bày ô tô, nhưng đã gián tiếp góp phần kích cầu thị trường.

car03399.jpg
Thông tin về ưu đãi lệ phí trước bạ đang giúp xe lắp ráp trong nước tiêu thụ vượt trội so với các mẫu nhập khẩu.

Theo báo cáo ngày 12-7 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 6-2023 ghi nhận 23.800 xe tới tay người dùng, cao hơn 15% so với tháng 5 và chỉ thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo giới chuyên môn, yếu tố lớn nhất dẫn tới sự khởi sắc là nhiều người tiêu dùng có xu hướng không chờ ưu đãi lệ phí trước bạ, mà mua xe ngay trong tháng 6 để tận hưởng các ưu đãi vốn đã chạm “đỉnh”.

Dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận việc Nghị định 41/2023/NĐ-CP, giúp người tiêu dùng tiết kiệm 50% lệ phí trước bạ kể từ 1-7 khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực "kích cầu". Nhiều người mua xe chia sẻ, họ quyết định tranh thủ mua ô tô lắp ráp trong nước trước khi tháng 6 kết thúc, rồi "để dành" tới tháng 7 mới đăng ký và ra biển, qua đó tận dụng được cả hai xu hướng ưu đãi.

Diễn biến này thể hiện rõ qua việc doanh số xe du lịch tháng 6 đã tăng trưởng tới 20% (đạt 17.344 xe). Trong đó, riêng xe lắp ráp trong nước tăng trưởng tới 28% (đạt 15.488 xe), trái ngược doanh số xe nhập khẩu suy giảm 4% (chỉ bán được 8.312 xe).

Tuy nhiên, sự khởi sắc trong tháng 6 chưa thể đưa thị trường ô tô trong nước ngay lập tức trở lại trạng thái tăng trưởng ổn định. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, các thành viên VAMA mới chỉ bán được 122.626 xe, tương đương khoảng 2/3 so với doanh số cùng kỳ năm ngoái (185.466 xe). Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các nhà sản xuất ngoài VAMA.

Cụ thể, TC Motor (lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) cho biết nửa đầu năm nay mới chỉ bán được 28.011 xe các loại, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2022. Nhà sản xuất có hạ tầng lắp ráp xe tại tỉnh Ninh Bình này cho biết, hiện đặt nhiều kỳ vọng vào việc chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ sẽ tiếp tục vực dậy tình hình kinh doanh từ tháng 7. 

Để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới, các nhà sản xuất đều dự kiến duy trì ưu đãi đối với khách hàng mua xe ở ngưỡng cao, thay vì cắt hoàn toàn sau khi ưu đãi lệ phí trước bạ bắt đầu áp dụng như những năm trước. Ưu đãi cũng được mở rộng tới cả các mẫu xe có doanh số cao, nhằm gia tăng tối đa lượng bán.

358370943_10223610647959254_6038231025376770456_n.jpg
Tặng quà, giảm giá... là những giải pháp được kỳ vọng giúp xe nhập khẩu nguyên chiếc có thể trụ vững trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, một số hãng cũng bắt đầu triển khai ưu đãi lớn cho cả các mẫu nhập khẩu, nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trước các đối thủ lắp ráp trong nước. Một ví dụ điển hình là Toyota tháng 7 bắt đầu hỗ trợ mức tương đương 50% lệ phí trước bạ cho cả ba phiên bản của Corolla Cross, dù chiếc xe nhập khẩu này đang là một trong những gương mặt có doanh số tốt nhất, thậm chí nhiều tháng dẫn đầu phân khúc SUV đô thị tại Việt Nam. Chính sách tương tự cũng được Ford Việt Nam áp dụng với các mẫu xe nhập khẩu của mình như Everest, Explorer.

Về phần mình, dù được lắp ráp trong nước và vừa có phiên bản mới cách đây không lâu, Vios vẫn được tặng thêm cả gói bảo hiểm trị giá gần 17 triệu đồng. Trong khi đó, Ford Territory và Ranger Wildtrak đều được “tặng thêm” 50% lệ phí trước bạ, đồng nghĩa người mua xe đăng ký mới lúc này được miễn hoàn toàn loại lệ phí này.

Nhìn chung, diễn biến lúc này cho thấy, các nhà sản xuất ô tô sẽ còn rất vất vả trong thời gian tới, sẽ phải cố gắng lớn để đảm bảo thị trường không “tụt đáy” doanh số một lần nữa trong năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe ô tô lắp ráp trong nước đã hưởng lợi từ chính sách ưu đãi phí trước bạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.