(HNM) - Xe máy sản xuất tại các nước XHCN bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội vào khoảng năm 1973 do sinh viên đi du học mang về gồm: Harbick, Spark (đèn vuông), Star (đèn tròn, do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất)...
Tuy nhiên, giới trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học, bác sỹ từ bỏ nước Pháp về nước vẫn sử dụng xe máy. Giáo sư Trần Hữu Tước, người đã theo Bác Hồ về nước năm 1946, một trong những chuyên gia đầu ngành về tai - mũi - họng thời kỳ đó vẫn đi làm bằng chiếc Motobecan. Từ năm 1965 đến 1972, do Mỹ tiến hành ném bom ở miền Bắc và Hà Nội, cộng thêm xăng dầu khan hiếm rồi xe hỏng không có phụ tùng nên nhiều chủ xe đành đắp chiếu.
Một chiếc MZ Trophy 125cc của CHDC Đức cũ được phục chế bởi một người yêu xe máy cổ. |
Xe máy sản xuất tại các nước XHCN bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội vào khoảng năm 1973 do sinh viên đi du học mang về gồm: Harbick, Spark (đèn vuông), Star (đèn tròn, do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất). Còn các loại xe phân khối lớn như MZ 150 (Đức), Jawa 350, 360 (Tiệp Khắc), Balkan (Bulgari) được Nhà nước nhập về làm xe công vụ và trang bị cho ngành công an. Một câu chuyện ồn ã Hà Nội năm 1974 liên quan đến xe máy vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người cao tuổi và lớp trung niên. Nguyễn Thế Tuyền là tay anh chị, chuyên trấn lột và cướp của bị công an Hà Nội truy nã. Bị giam ở Công an khu Ba Đình (sau này đổi thành quận), y vận khí ép ngực cho máu trào ra miệng rồi đòi đưa đi bệnh viện. Dù biết Tuyền là kẻ lắm mưu, võ thuật lại cao cường nhưng sợ Tuyền chết sẽ không khai báo ra đồng bọn nên ban chuyên án quyết định đưa y vào viện Việt-Đức chữa trị. Sợ Tuyền bỏ trốn, một tổ cảnh sát được giao nhiệm vụ canh gác bên ngoài. Một đêm, lợi dụng hai chiến sỹ công an trẻ ngủ gật, Tuyền vận nội công bẻ cong chấn song sắt cửa sổ chui ra ngoài. Mấy hôm sau, một nguồn tin trong dân báo về khu công an phát hiện Tuyền lượn lờ trên chiếc xe máy Con Thỏ (một loại xe máy của Liên Xô) ở phố cổ. Đại úy Long, người nổi tiếng mưu trí và có tài chạy xe máy được giao nhiệm vụ truy tìm Tuyền. Một hôm đang cưỡi chiếc Jawa 350 "lang thang", anh phát hiện Tuyền đang đi xe Con Thỏ ở phố Hàng Bồ. Đại úy Long rồ ga đuổi theo và Tuyền cũng kịp nhận ra nguy hiểm, y tăng ga chạy ra Phan Đình Phùng, vắt qua phố Lê Hồng Phong đến Chu Văn An, rẽ phố Hàng Bột rông thẳng Hà Đông. Hai chiếc xe máy rú ga làm náo động phố phường. Xe của Đại úy Long luôn bám sát Tuyền, có lúc chỉ cách y một thân xe nhưng lại để vuột mất vì anh sợ gây tai nạn cho người đi xe đạp. Đến đầu cầu Hà Đông, bất ngờ Tuyền phanh gấp, chiếc xe Con Thỏ quay đít, y tăng ga, chiếc xe chạy vọt về nội thành, còn Đại úy Long bị vướng chiếc xích lô nên đành cho xe lao qua cầu. Với người đi đường, pha đuổi bắt ngoạn mục như trong phim còn Đại úy Long tiếc vì đã để xổng tội phạm. Nhưng rồi cuộc đuổi bắt cũng bằng xe máy diễn ra trên đường 5 sau đó, Đại úy Long cùng đồng đội đã tóm được Tuyền.
Sau năm 1975, ngày nào cũng có bộ đội phục viên, đi phép từ miền Nam ra. Trên những chuyến tàu Thống Nhất hay xe quân sự chở các anh về quê, ngoài chiếc ba lô nhuốm mùi chiến tranh, còn có thêm những con búp bê, khung xe hay xe đạp nguyên chiếc quấn vải cho khỏi xây xát. Có anh mang cả Honda 50, PC 25. Honda 67, Vespa, Suzuki, Mobylette, Candy... Phố xá như ấm hơn vào mùa đông bởi những tiếng nổ và độ nóng từ chiếc xe tỏa ra. Năm 1976 và liên tiếp những năm sau đó, công nhân kỹ thuật học ở Đức về nước mang theo loại xe mới: Simson và sau này là Mokick, Comfort, ETZ 175, ETZ 250... Công nhân kỹ thuật và lao động xuất khẩu ở Tiệp Khắc mang về Jawa 175, 250 được cải tiến. Số và cần khởi động của xe nằm trên một trục, xe nổ máy đẩy cần vào một nấc biến cần khởi động trở thành cần số. Ngoài ra, dân ở Tiệp Khắc về còn mua cả xe ga Babetta. Dân đi Liên Xô đưa về xe Volkhop, Riga. Cùng với dòng Peugeot 101, 102, 103, 105, AV 92, Motobecan, BB 5 thụt... do Việt kiều bên Pháp gửi về đã làm phong phú xe máy Hà Nội.
Thời bao cấp, người Hà Nội khó có thể quên được hình ảnh chiếc xe máy gọi là T200, tôi không rõ do nước nào sản xuất chỉ biết xe có thùng ở phía sau dùng để chở rau xanh, thịt, cá biển ướp đá... đến các cửa hàng thực phẩm, chở bánh mỳ đến các khu phố vào năm 1973, 1974. Đang ngủ gật xếp hàng chờ gạo về mà nghe tiếng bành bành là tất cả tỉnh như sáo và vui ra mặt. Lắm khi công an bắt được thanh niên câu cá trộm ở hồ Tây, hồ Trúc Bạch cũng mượn xe này đưa họ lên công an khu.
Chuyện "lạ" quanh chiếc xe máy
Đợt xe máy Nhật ào ra Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước được bổ sung thêm khi tàu viễn dương mang về những chiếc xe bãi Cup 78, 79 hay Cup 81, rồi 81 Kim vàng giọt lệ, CD 50 han rỉ vì nước biển. Tiếp đó người đi chuyên gia ở Angiêri, lao động ở Irắc có phiếu mua xe bãi ở Intershop Giảng Võ làm cho đường phố nhiều xe hơn. Có người đi chiếc xe "Hoàng tử đen" giá tới 4, 5 cây vàng (đủ để mua 1 căn hộ tập thể), đó là chiếc xe Honda nhãn hiệu Benly 90 có nẹp vàng ở bình xăng. Những chiếc xe DD của hãng Honda mới tinh cũng được các công ty xuất khẩu hàng thủ công nhập về. Dù các nước XHCN ở Đông Âu rục rịch có chuyện nhưng xe máy vẫn về theo đường hàng không hay qua cảng Hải Phòng. Không biết có phải do thẩm mỹ của người Hà Nội hay do cánh buôn xe đặt ra nhưng cùng là xe Mokick nhưng màu xanh đu đủ giá bao giờ cũng cao hơn màu nõn chuối hay màu đỏ tới 2 chỉ vàng. Nhà máy Cao su Sao Vàng, cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm cao su lớn nhất miền Bắc và cũng là hiện đại nhất thời bao cấp nhưng làm ra những chiếc săm chỗ mỏng chỗ dày, khi bơm hơi, chỗ cao su mỏng phồng to như quả bí. Còn lốp thì không những mành rất thưa mà cao su lại lắm bột nên chỉ đi vài tháng là mòn vẹt. Nhà máy này cũng không sản xuất nổi dây cuaroa cho các dòng xe ga của Pháp, Tiệp Khắc... Trong khi các hợp tác xã lại sản xuất ngon lành và chất lượng khá tốt.
Bây giờ, trên là trời, dưới là xe máy. Những người thích chơi xe lại có tiền rước về những chiếc xe phân khối lớn giá vài chục nghìn USD. Hà Nội mới thành lập Câu lạc bộ xe Hackley với 59 thành viên, chiếc xe đắt nhất có giá tới 80.000 USD. Dân chơi môtô các nước trong vùng phải lè lưỡi lắc đầu. Ngỡ tưởng xe máy là tài sản lớn đã qua từ lâu và xe chỉ là phương tiện nhưng hiện tại, không ít người sẵn sàng bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua chiếc SH. Với họ, dường như SH là biểu tượng của sự khá giả, biết ăn biết chơi. Đôi khi đi đường, tôi thấy họ vênh vang với người đi xe bình dân. Nhưng ngạc nhiên hơn, xe máy đã bị chủ bóc lột tệ hại. Mua vài nghìn dưa muối ở đầu phố cũng vè vè xe máy, đi ăn sáng đầu ngõ cũng cưỡi dù tìm chỗ đỗ lâu hơn ăn bát bún. Vì thế khi đi du lịch nước ngoài, nhiều thanh niên cuốc bộ không bằng gà già. Nguyên nhân là họ nghiện xe máy. Các bác sỹ ở Bệnh viện Thể thao cảnh báo: Người nghiện xe máy có thể dẫn đến teo cơ, nhưng chẳng ai sợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.