Sau hơn 1 tháng ra quân quyết liệt, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết cơ bản tình trạng xe du lịch, xe hợp đồng lách luật chạy như xe khách tuyến cố định từ trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đã có những biến tướng mới cần sớm ngăn chặn.
Những chuyển biến tích cực
Những ngày đầu tháng 12-2023, nhóm phóng viên đi khảo sát thực tế tại một số điểm trong nội đô thành phố Hồ Chí Minh, nơi cách đây hơn 1 tháng vẫn là “điểm nóng” của tình trạng các hãng xe du lịch, xe hợp đồng “lách luật” đón khách chạy như tuyến cố định. Đó là phố Nguyễn Thái Bình (quận 1) và Lê Hồng Phong (quận 10).
Trên tuyến phố Nguyễn Thái Bình không còn cảnh hàng dài xe du lịch, xe hợp đồng xếp hàng chờ đón khách đi các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ từ các căn nhà mặt phố được dùng làm văn phòng hãng xe như trước.
Bà Dương Vương Yến, chủ một quán cà phê trên tuyến phố này cho biết, do Thanh tra Giao thông đi kiểm tra liên tục; một số điểm còn lắp camera giám sát, nên các nhà xe không còn đậu đỗ tràn lan, công khai đón trả khách như trước nữa.
Tương tự, tại tuyến phố Lê Hồng Phong (quận 10) vốn được nhiều nhà xe lập văn phòng, nhận chở người và hàng từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà xe giờ không hoạt động công khai như trước.
Anh Võ Trọng Khang, một người lái xe ôm tại đây cho biết, vừa qua, sau khi Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý nghiêm, chỉ còn xe trung chuyển đến nhận khách từ các văn phòng này đưa ra Bến xe miền Tây, không còn cảnh xe 16 chỗ hoặc 9 chỗ đón khách trực tiếp như trước.
Xe trung chuyển hiện là phương tiện chủ yếu của nhà xe PT, đón khách từ văn phòng trên phố Nguyễn Cư Trinh (quận 1) ra điểm đón trả khách hợp pháp của hãng trên phố Mai Chí Thọ (thành phố Thủ Đức) để từ đó, khách lên xe khách tuyến cố định đi Phan Thiết, Đà Lạt, Vũng Tàu…
Chị Nguyễn Kiều Trang, người thường xuyên đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa cho biết: “Khách đến văn phòng trên phố Nguyễn Cư Trinh đặt xe, được phát vé ghi số ghế, số xe. Sau đó, khách lên xe trung chuyển đưa đến đây để chờ lên xe khách. Tại Bà Rịa, khách được xe trung chuyển đón từ bến xe, đưa về tận nhà. Theo cách này, khách đi xe mất thêm chút thời gian, nhưng cũng không quá bất tiện”.
Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Giao thông cùng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương đã phối hợp tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn. Trong 11 tháng của năm 2023, Thanh tra Sở đã phát hiện và lập biên bản 2.719 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải với số tiền xử phạt là gần 4,16 tỷ đồng.
Nhiều nhà xe cũng đã vào bến đăng ký tuyến cố định, thay vì “chạy chui” như trước. Theo Ban Giám đốc Bến xe Miền Đông, chỉ riêng trong 15 ngày đầu của tháng 11-2023, số phương tiện đăng ký chạy tuyến cố định tại bến đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 (từ 5.508 xe đi và đến lên 6.035 xe). Lượng khách qua bến tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022 (từ 34.391 lượt lên 54.499 lượt khách).
Biến tướng mới
Tuy nhiên, dù tình trạng vi phạm công khai đã giảm rõ rệt, nhưng do nhu cầu của hành khách từ nội thành đi các tỉnh Đông Nam Bộ và phía Bắc rất cao, lại không muốn đi hơn 20km ra Bến xe miền Đông mới, nên một số nhà xe hợp đồng, xe du lịch vẫn lén lút thực hiện những cách thức mới để đón khách “chui”, chạy như xe tuyến cố định.
Trong vai hành khách, nhóm phóng viên chúng tôi đã “trải nghiệm” lộ trình từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu và ngược lại để nắm thực tế.
Tại một văn phòng nhà xe trên phố Nguyễn Thái Bình (quận 1), sau khi đã có 7/9 khách đăng ký đi xe limousine, nhân viên nhà xe đưa danh sách hành khách cho một khách lớn tuổi và thông báo: Do bị kiểm tra chặt, nhà xe không thể đón khách trực tiếp tại đây, nên bố trí xe trung chuyển dưới dạng xe đón khách du lịch để ra nơi xe 9 chỗ đang đợi.
“Bác giúp cháu làm trưởng nhóm nhé. Các cô bác, anh chị lát nữa nếu bị Thanh tra Giao thông dừng xe hỏi, nhớ nói là khách cùng công ty đi du lịch, không là bị phạt đấy”, nhân viên nhà xe nhắc nhở.
Một xe ô tô 7 chỗ đỗ xịch trước cửa, trên xe không dán nhãn “Xe trung chuyển” theo quy định. Nhân viên nhà xe giục khách mau chóng lên xe do sợ bị phạt. Đủ người, xe chạy xuyên qua hầm Thủ Thiêm sang phía thành phố Thủ Đức rồi rẽ phải vào đường Tố Hữu. Con phố này vắng vẻ vì chưa có phương tiện lưu thông, lại là đường cụt do có nhiều dự án đang xây dựng.
Đi sâu khoảng gần 1km, hành khách được trả xuống nơi có 2 xe du lịch đang đứng chờ ở đầu đường Trần Bạch Đằng. Do phải chờ thêm 2 khách để đủ chuyến xe limousine 9 chỗ, chúng tôi có thêm thời gian trò chuyện với tài xế.
Ông T, 52 tuổi, tài xế lâu năm, chia sẻ: “Xe du lịch chỉ được chở khách hợp đồng. Vì thế, chúng tôi cần anh chị điền tên vào bảng danh sách hành khách mang theo xe, để trình lực lượng chức năng khi bị hỏi.
Mấy bữa rồi, xe không được đón khách tại phố Nguyễn Thái Bình, vì sẽ bị phạt ngay do đậu đỗ ở đường cấm. Nay sang bên này đứng chờ (cách nhà xe khoảng 3km), hãng phải tốn thêm phí xe trung chuyển, nhưng không còn cách nào khác để giữ khách. Cảnh sát giao thông cũng thỉnh thoảng kiểm tra bên này, nên chúng tôi phải trông chừng…”.
Dọc đường, xe dừng trả khách khá thoải mái ở nhiều điểm tại thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chiều về, chúng tôi đăng ký từ Vũng Tàu về quận 1. Tài xế ngó nghiêng rồi trả khách trên đường Phan Văn Trường vì phố này vắng, ít bị cơ quan chức năng kiểm tra. Đây chỉ là một trong nhiều chuyến xe “chui” chạy trót lọt, qua mắt lực lượng chức năng thời gian qua.
Chúng tôi đã phản ánh hiện trạng này đến cơ quan chức năng và đã được ghi nhận kiểm tra, xử lý.
Báo Hànộimới sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này khi mùa cao điểm đi lại dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.