(HNM) - Xe buýt là phương tiện giao thông không thể thiếu của các đô thị hay nói một cách khác là một phần của đời sống đô thị. Thế nhưng vì nhiều lý do, phải mất hàng chục năm, người Hà Nội mới hình thành được thói quen đi lại bằng xe buýt.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù mạng lưới tuyến đã được mở rộng, phủ khắp các đô thị và kéo dài tới những vùng sâu vùng xa, khoa học công nghệ không ngừng được ứng dụng để hành khách dễ tiếp cận và xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông quen thuộc trên đường phố, tuy nhiên để chinh phục niềm tin nhiều hơn của hành khách, xe buýt Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm...
Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.Ảnh: Khánh Huy |
Những con số “biết nói”
Trở lại với những ngày đầu của xe buýt. Thời bao cấp, dù chỉ có vài tuyến trục như Bờ Hồ - Hà Đông, Kim Mã - Hà Đông và một số tuyến chạy từ trung tâm thành phố lên Cầu Giấy, Nhổn..., nhưng những chiếc xe buýt cũ kỹ mang tên Hải Âu (Liên Xô cũ), Karosa (Tiệp Khắc) và xe Ba Đình đóng khung sườn, động cơ của Cộng hòa dân chủ Đức... lúc nào cũng kín khách... Thế rồi xe buýt chững lại và lâm vào cảnh khó khăn. Vào năm 2000, Hà Nội chỉ có 4 doanh nghiệp với 400 đầu xe, sản lượng hành khách chỉ đạt khoảng 15 triệu lượt/năm. Những chuyến xe thưa vắng…
Ông Nguyễn Trọng Thông, người từng nhiều năm gắn bó với những chiến lược phát triển xe buýt, nay là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội cho biết, khi ấy, Hà Nội dân số khoảng 2,8 triệu người. Khu vực nội thành chỉ có trên 70km2 đường, chiếm 6,1% quỹ đất đô thị. Toàn thành phố có gần 99.000 xe ô tô các loại, khoảng 853.000 xe máy và gần 1 triệu xe đạp. Tất nhiên, phương tiện giao thông không nhiều như bây giờ nhưng ùn tắc không phải là chuyện hiếm. Giai đoạn đó, xe buýt dù kém hấp dẫn hành khách, nhưng với con tính, một người sử dụng phương tiện cá nhân chiếm diện tích đường gấp 9-16 lần so với một người đi xe buýt thì bài toán phát triển giao thông công cộng phải được đặt ra. Câu chuyện bỏ tiền “mua” thói quen đi lại bằng xe buýt của người dân bắt đầu như vậy.
Nhiều tỷ đồng đã được thành phố ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt và đổi mới phương tiện, mở thêm tuyến; bảo đảm trợ giá thường xuyên, ổn định để mỗi người dân khi lựa chọn xe buýt không quá tốn kém. Rồi thì đơn giản và đồng hạng giá vé, phát hành vé tháng, vé bán trước, vé liên thông cho mọi đối tượng... “Cú hích” thực sự mang tính đột phá cho xe buýt phát triển như ngày hôm nay chính là việc vào năm 2001, thành phố quyết định hợp nhất 4 doanh nghiệp quy mô nhỏ gồm Công ty Xe buýt Hà Nội, Công ty Xe khách Nam Hà Nội, Công ty Xe du lịch Hà Nội và Công ty Xe điện Hà Nội. Ngay trong 2 năm hoạt động tiếp theo (2002-2003), xe buýt phát huy hiệu quả đã trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật của Hà Nội, trở thành tiền đề quan trọng để đến giữa năm 2004, thành phố quyết định “nâng hạng” thành Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chuyên trách lĩnh vực giao thông công cộng.
Vẫn có người cho rằng xe buýt chưa thực sự tiện lợi, đang lúc vội lại tắc đường làm sao đi làm, đi học. Tranh luận thật khó khi “văn hóa xe máy” đã bám rễ quá sâu vào trong suy nghĩ của không ít cư dân đô thị. Thế nhưng, xe buýt vẫn phát triển như một tất yếu. Từ 30 tuyến vào năm 2000 với 3.500 lượt xe/ngày, vận chuyển khoảng 15 triệu hành khách/năm thì đến nay, mạng lưới buýt toàn thành phố đã có tới 92 tuyến, vận hành gần 11.300 lượt xe/ngày và vận chuyển khoảng 400 triệu hành khách/năm. Đó thực sự là những con số biết nói của hành trình xe buýt chinh phục niềm tin của hành khách. Ông Nguyễn Phi Thường, người đã gắn bó với Tổng công ty Transerco ngay từ những ngày đầu thành lập, cho đến bây giờ là Chủ tịch Hội đồng thành viên có một nhận định khá thú vị khi cho rằng, xe buýt như là những "con ong thợ" ngày qua ngày cần mẫn góp sức kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho giao thông đô thị Hà Nội.
“Chú ong thợ” và hành trình mới
Bây giờ, luồng tuyến liên tục được điều chỉnh mở rộng, kết nối rộng rãi các khu vực, từ trung tâm thành phố đến các vùng sâu, vùng xa và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, khoa học công nghệ đã được tăng cường để hành khách dễ dàng tiếp cận với giao thông công cộng. Và mỗi ngày, hơn 1.200 "con ong thợ" lại cần mẫn trên những cung đường. Bà Nguyễn Minh Loan, 60 tuổi, nhà ở ngõ Hòa Bình 7 (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) nói với tôi, từ ngày thành phố kéo dài tuyến buýt lên tận Mê Linh, việc lên nghĩa trang Thanh Tước chăm sóc phần mộ các cụ thật dễ, chỉ cần ra bến Trần Khánh Dư lên xe tuyến 35 và mất 9.000 đồng/lượt... Rồi những tuyến buýt chất lượng cao ra đời. Ví dụ, tuyến số 86 Ga Hà Nội - Sân bay Nội Bài - Ga Hà Nội được thành phố khai trương hồi cuối tháng 4-2016, có khoang hành lý với 30.000 đồng/lượt là lên thẳng sân bay, thay vì mất 200.000 - 300.000 đồng/lượt taxi.
Không lâu nữa, Hà Nội sẽ có xe buýt nhanh BRT. Tuyến đầu tiên là Kim Mã - Yên Nghĩa; về lâu dài, còn 7 tuyến xe buýt nhanh BRT khác tiếp tục được nghiên cứu để tăng nhanh thời gian lưu thông, tăng lượng khách phục vụ trên những cung đường có nhu cầu cao. Rồi 8 tuyến đường sắt đô thị sẽ hình thành, nhưng chắc chắn không thể nào phát huy hiệu quả nếu thiếu các tuyến buýt ngắn để gom khách, tải khách ở các bến. Nói vậy để thấy, trong tương lai, xe buýt vẫn là chủ lực trong hệ thống VTHKCC của Thủ đô. Sứ mệnh xe buýt còn rất lớn.
Xe buýt hiện mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô và lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu đến năm 2018 phải đáp ứng được 20-25%. Nói về yêu cầu này, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, nhiệm vụ nặng nề nhưng chắc chắn thành công nếu có thêm sự ủng hộ của người dân. Trong năm 2016, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc điều chỉnh mạng lưới tuyến, tăng cường năng lực vận hành, bảo đảm cung ứng dịch vụ tốt hơn tại các đô thị lõi và tới các trung tâm quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các vùng phụ cận Hà Nội. Trước mắt sẽ điều chỉnh, kéo dài các tuyến đến Bắc Phú (Sóc Sơn), Phúc Lợi (Long Biên), Phú Minh (Phú Xuyên), Thanh Lâm (Mê Linh); tổ chức lại các tuyến buýt có hướng tuyến và lộ trình trùng với lộ trình của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, bố trí xe gom khách để kết nối với 2 tuyến vận tải lớn này. Rồi thì chuẩn bị đầu tư số hóa cơ sở dữ liệu VTHKCC; bổ sung trang thiết bị, cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS tăng cường năng lực công tác quản lý. Ngày 10-8, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) triển khai thí điểm kênh làm thẻ vé tháng xe buýt trực tuyến, trên website Timbus.vn. Trong thời gian thí điểm 3 tháng, Transerco hỗ trợ hành khách chi phí in rửa ảnh làm thẻ (ảnh khách hàng gửi qua website). Hành khách chỉ cần truy cập website www.Timbus.vn, mục "Đăng ký vé tháng"; tải mẫu đăng ký và hoàn thiện hồ sơ (chỉ dành cho khách thuộc đối tượng ưu tiên); nhập đầy đủ thông tin và vào web đăng ký, sau đó, hành khách sẽ nhận được mã đăng ký để nhận thẻ tại điểm.
Hơn chục năm qua, với Transerco có không ít câu chuyện buồn vui, giờ đây, thông tin phản ánh tiêu cực về chất lượng xe buýt, thái độ của nhân viên nhà xe đã giảm rất nhiều, thay vào đó là sự hài lòng, sự sẻ chia. Và thay cho lời kết, tôi dẫn lại lời ông Nguyễn Phi Thường trong ngày kỷ niệm 10 thành lập Tổng công ty trước đông đảo cán bộ, nhân viên của mình rằng: Transerco đã trải qua thời kỳ gian khó nhất, thời kỳ “dò đá qua sông”, để tự tin về năng lực, sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ đạo trong VTHKCC của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.