(HNM) - Dừng, đỗ xe đúng nơi quy định; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; xếp hàng mọi lúc, mọi nơi... Những điều giản dị này, bất cứ ai cũng có thể làm được lại là biểu hiện cho nền tảng văn hóa, nếp sống văn minh trong đời sống cộng đồng.
Xếp hàng tuy là việc nhỏ nhưng góp phần xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng. |
Nêu cao ý thức vì cộng đồng
Từ tháng 10-2016 đến nay, công trình “Vườn hoa - sân chơi” tại khu chung cư D14, tổ dân phố 27, phường Phương Mai, quận Đống Đa (thuộc Dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa”) là điểm đến vui chơi, sinh hoạt văn hóa bổ ích cho cả cộng đồng. Đáng kể hơn, người dân đã cùng nhau chăm sóc vườn hoa; tình trạng đổ rác tùy tiện, vô ý thức cũng biến mất tự khi nào. Bà Đặng Thị Liên, Tổ trưởng tổ dân phố 27 cho biết: "Đây là điều phấn khởi nhất cho cư dân chúng tôi. Công trình văn hóa tác động đáng kể lên ý thức của người dân, cộng thêm sự nhắc nhở, bảo ban nhau thường xuyên đã hình thành nếp sống, nếp nghĩ vì tập thể". Còn chị Phạm Thị Bích, cư dân chung cư D14 chia sẻ: "Giờ ở tổ dân phố rất vui. Đến thời điểm thu gom rác là nhà nhà gọi nhau mang rác đi bỏ. Trong lúc chờ xe thu gom rác đến, mọi người tranh thủ thăm hỏi, chuyện trò, cư dân gắn kết, quan tâm đến nhau hơn".
Kiên trì, bền bỉ trong vận động, thuyết phục cũng là cách làm mà nhiều địa phương đang theo đuổi. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) chia sẻ: "Trên địa bàn có rất nhiều cửa hàng nên việc dừng, đỗ phương tiện giao thông không đúng quy định là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi tới từng nhà nhắc nhở, hướng dẫn chủ cửa hàng và khách mua để xe đúng nơi quy định. Lâu dần thành nếp, ý thức của mọi người được nâng lên. Khu phố cũng trở nên ngăn nắp hơn".
Trong khi đó, bà Đào Thị Thạc, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) kể: "Người dân khu phố đồng thuận gắn camera giám sát để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Khi có hiện tượng bỏ rác bừa bãi, chúng tôi sẽ sử dụng hình ảnh, gửi tới người vi phạm để nhắc nhở, vận động không tái diễn. Từ đó, hành vi thiếu ý thức được đẩy lùi".
Có nhiều cách làm khác nhau, song điểm chung của các địa phương chính là những nỗ lực khơi dậy văn hóa, nếp sống văn minh qua những điều nhỏ bé, giản dị, như: Không xả rác bừa bãi; không dừng, đỗ xe lộn xộn; không nói tục, chửi bậy; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… Những ví dụ trên cũng cho thấy, nơi nào quyết liệt, kiên trì, vào cuộc một cách thực chất, nơi đó sẽ có chuyển động thực sự và ngược lại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền nhận định: Văn hóa không phải là điều gì đó cao siêu. Nó là những việc nhỏ bé, giản dị hằng ngày nhưng ẩn chứa bên trong là văn hóa, đạo đức, lối sống có trách nhiệm, biết tôn trọng người khác. Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng, dành nhiều tâm huyết cho việc chấn hưng văn hóa thông qua những việc làm nhỏ bé, giản dị, mà sự ra đời của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với những quy định cụ thể, gần gũi là ví dụ tiêu biểu. Sau hơn hai năm đi vào cuộc sống, hệ thống quy tắc ứng xử được triển khai, nhân rộng trên toàn thành phố với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo. Tuy nhiên, cũng còn không ít nơi, việc triển khai nội dung này còn có biểu hiện hình thức hoặc chưa được quan tâm đúng mức.
Lan tỏa hành động văn hóa
Hướng dẫn trẻ bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần hình thành thói quen ứng xử văn minh. Ảnh: Bùi Tuấn |
Không khó để nhận thấy tại không ít địa phương, khi ý thức, trách nhiệm cá nhân chưa được khơi dậy tới ngưỡng để hình thành nên thói quen, nếp sống, thì những hình ảnh chưa đẹp, những lời nói chưa hay vẫn hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Đáng nói, không chỉ thể hiện ở một nơi nhất định, thói quen, lối hành xử tùy tiện còn có thể theo chủ thể bộc lộ ở những nơi họ đặt chân đến, làm ảnh hưởng tới cả những nơi đã hình thành được nếp sống văn minh, lối ứng xử văn hóa. PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu: Ví dụ riêng văn hóa xếp hàng, cả tập thể đang xếp hàng nghiêm chỉnh, nhưng chỉ một vài cá nhân chen lấn sẽ gây xáo trộn, làm hỏng nền nếp ngay. Cũng giống như nhiều hành vi, việc làm bình thường khác, văn hóa xếp hàng cần được chú trọng giáo dục vì nó không chỉ rèn tính kỷ luật mà còn là biểu hiện tôn trọng cộng đồng - điều cần có của văn hóa ứng xử.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (ngày 22-2-2019), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Cần tăng cường giải pháp chấn hưng văn hóa ứng xử, từ việc thực hiện bình xét, thi đua xây dựng các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, đúng tinh thần đến xây dựng những tiêu chí ứng xử văn hóa một cách cụ thể nhất. Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đặt mục tiêu 100% trường học xây dựng quy tắc ứng xử trong giới trẻ với những điều cụ thể, như: Văn hóa xếp hàng, văn hóa tự phục vụ, văn hóa sử dụng mạng xã hội… Tại Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” diễn ra ngày 16-3-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng dẫn ra hai việc mà báo chí có thể thực hiện xuyên suốt, để tạo thói quen tốt trong xã hội, đó là không chen lấn và bỏ rác đúng nơi quy định. Theo Phó Thủ tướng, chỉ cần giải quyết được hai việc này thì hình ảnh xã hội Việt Nam cũng nâng lên đáng kể.
Xác định khơi dậy văn hóa ứng xử, hình thành nếp sống văn minh không thể mang lại kết quả trong ngày một ngày hai, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Trong năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử, xác định ưu tiên triển khai tại các khu vực trọng điểm, như: Chợ, trung tâm thương mại, bến xe, khu vực giao thông công cộng, nhà ga...
Cùng với đó sẽ chú trọng tuyên truyền trong các trường học với sự vào cuộc của cả ngành sư phạm và đoàn thanh niên; tuyên truyền Quy tắc ứng xử tại các khu dân cư với việc nêu gương, đi đầu của chính cán bộ, công chức, viên chức đang cư trú trên địa bàn. Trong năm 2019, thành phố cũng sẽ tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện hai quy tắc ứng xử, trong đó có Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; từ đó đánh giá, biểu dương những sáng kiến hay, việc làm hiệu quả, tấm gương sáng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, biểu hiện qua những việc làm cụ thể, bình dị trong đời sống hằng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.