(HNM) - Hiện, thành phố Hà Nội đã có 71,5% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 (có từ 65% đến 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia), ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã hoàn thành trước thời hạn 1 năm. Dù vậy, toàn ngành vẫn quyết tâm bứt phá trong chặng cuối, có thêm nhiều trường chuẩn quốc gia hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.
Kết quả không đều giữa các địa bàn
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong năm 2019, thành phố đã công nhận 120 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia hiện có của toàn thành phố lên 1.578 trường, chiếm 71,5% tổng số trường trên địa bàn. Đây là các trường hội tụ đủ 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia về các mặt: Tổ chức và quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả.
Ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Năm 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và phụ huynh đã nỗ lực chung sức hoàn thành 120% kế hoạch được giao. Nhiều đơn vị thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu, như huyện Sóc Sơn được giao 6 trường, hoàn thành 12 trường; huyện Mê Linh được giao 3 trường, hoàn thành 7 trường; quận Hoàng Mai được giao 2 trường, hoàn thành 4 trường…
Tuy nhiên, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia vẫn còn chênh lệch khá rõ ở các địa bàn. Trong đó, huyện Đan Phượng có tỷ lệ trường chuẩn cao nhất thành phố với 94,2%, tiếp đến là quận Tây Hồ 92%, quận Nam Từ Liêm 88%... nhưng một số đơn vị vẫn ở mức khiêm tốn như huyện Mỹ Đức 59%, huyện Ba Vì 49%...
Theo ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, nguyên nhân cơ bản khiến cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện còn nhiều khó khăn là nguồn kinh phí hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa còn hạn chế. Ngoài ra, mạng lưới trường học trên địa bàn lớn với 78 trường, hằng năm cần khoản kinh phí không nhỏ để cải tạo và xây mới thay thế những phòng học cấp 4, các phòng đã quá cũ…
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình - đơn vị mới có 54% số trường đạt chuẩn cho hay, rào cản khó gỡ nhất là quỹ đất thiếu thốn, trong khi dân số cơ học tăng nhanh kéo theo sự gia tăng về quy mô học sinh khiến cho nhiều trường quá tải, sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định của Điều lệ trường học. Vì vậy, nhiều trường có chất lượng giáo dục tốt, nhưng không đủ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.
Tìm cách khắc phục hạn chế
Tiếp tục nâng số trường đạt chuẩn quốc gia, tạo thêm nhiều ngôi trường dạy - học với điều kiện tốt nhất là quyết tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường trong năm 2020. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi đơn vị chọn cách làm riêng, trong đó tập trung cải thiện những hạn chế để tạo đà đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn.
Là địa phương đứng ở vị trí cuối cùng trong 30 quận, huyện, thị xã về tỷ lệ trường chuẩn, huyện Ba Vì đang tập trung mọi nguồn lực để có thêm 6 trường được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2020. “Cả 6 trường này đã được rà soát kỹ, lập dự án danh mục xây lắp và thiết bị còn thiếu với lộ trình, kinh phí cụ thể. Đơn cử, Trường Tiểu học Tòng Bạt cần xây dựng thêm 6 phòng học, 3 phòng bộ môn; Trường Trung học cơ sở Phú Đông cần xây mới khu hiệu bộ và mua thêm thiết bị… Tổng kinh phí đầu tư ước tính 109 tỷ đồng, đã bố trí được 67 tỷ đồng, huyện mong muốn có thêm sự hỗ trợ của thành phố, đồng thời huy động sự chung sức của phụ huynh để góp ngày công, cùng giáo viên cải tạo, chỉnh trang khung cảnh nhà trường”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay.
Bổ sung phòng học để giãn sĩ số học sinh/lớp là giải pháp đang được quận Ba Đình tập trung triển khai. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Nguyễn Đắc Hùng, năm 2020, quận quyết tâm có thêm 13 trường đạt chuẩn quốc gia. Lộ trình đầu tư cho từng dự án đã được xác định, trong đó ưu tiên cải tạo các trường mầm non và tháo gỡ trong đầu tư, cải tạo các trường ở khu vực ngoài đê.
Cùng đối mặt với áp lực về sự gia tăng quy mô học sinh, ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cho biết: Bên cạnh việc rà soát, tham mưu UBND quận bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại mạng lưới trường học, đơn vị còn cố gắng tạo điều kiện, khuyến khích phát triển hệ thống trường ngoài công lập. Điều này vừa tạo cơ hội học tập đa dạng cho học sinh, vừa giảm áp lực về sĩ số cho trường công lập.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh: Dù quy mô học sinh liên tục tăng, một số trường bị quá tải, song trong công tác xây dựng trường chuẩn, Sở yêu cầu các nhà trường phải tuân thủ nghiêm túc quy định tại Điều lệ trường học về sĩ số học sinh/lớp. Trường tiểu học phải bảo đảm sĩ số trung bình không quá 35 học sinh/lớp; trường trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 học sinh/lớp. Các đơn vị tuyệt đối không vì để đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia mà bỏ qua bất kỳ tiêu chí nào. Để gỡ khó cho các đơn vị, Sở sẽ kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho huyện Ba Vì và huyện Phú Xuyên; rà soát, bổ sung quỹ đất và đề xuất cho phép trường học ở một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình… được nâng tầng so với quy định.
Theo kế hoạch, năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 104 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp mầm non là 49 trường, cấp trung học cơ sở 27 trường, cấp tiểu học 22 trường, cấp trung học phổ thông 6 trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.