Sau khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần đã tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu thống nhất thông qua định hướng phát triển xây dựng Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu khu vực.
Kiện toàn bộ máy quản lý
Thực hiện Quyết định số 1925/QĐ-TTg ngày 30-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội và Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 5-6-2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội, ngày 24-6-2018 vừa qua, Hapro đã tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu với 591 cổ đông tham dự chính thức và uỷ quyền, đại diện cho quyền sở hữu 206.687.811 cổ phần phổ thông, chiếm tỷ lệ 93,95% tổng số cổ phần.
Đại hội đồng cổ đông đã bầu ra Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần nhiệm kỳ 2018-2023. Sau đó, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát đã tiến hành họp và bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát, đồng thời tại phiên họp đầu tiên, Hội đồng Quản trị đã ra nghị quyết bổ nhiệm các chức danh trong Ban Điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga được tín nhiệm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Các thành viên Hội đồng Quản trị gồm ông Vũ Thanh Sơn, ông Trần Anh Tuấn, bà Trần Thị Tuyết Nhung, bà Trần Thị Thu Hằng.
Đại hội cổ đông lần đầu đã thảo luận và 100% thống nhất thông qua định hướng phát triển của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần. Theo đó, chiến lược phát triển của doanh nghiệp thời gian tới là tiếp tục xây dựng và phát triển Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro) trở thành Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ... Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ; đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu trọng tâm là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro để xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đưa vào hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa của Tổng công ty.
Trong đó, Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. Đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty. Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ.
Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa, tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, HaproFood và các cửa hàng chuyên doanh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng sản xuất, chế biến bao gồm cả hàng hóa mang thương hiệu Hapro và khai thác nguồn hàng hóa phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, đặc biệt là: Hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghệ tiêu dùng...
Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xây dựng mô hình Tổng công ty có tính gọn nhẹ tối đa, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao; cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực. Tạo công ăn việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động sau cổ phần hóa.
Xác định rõ mục tiêu chiến lược
Ngay sau đại hội đồng cổ đông, Hapro đã xác định rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần triển khai sau cổ phần hóa. Ông Vũ Thanh Sơn, thành viên Hội đồng Quản trị Hapro cho biết, một trong những mục tiêu của Tổng công ty là tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu: phát triển mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng; phấn đấu đến năm 2020, Tổng công ty có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản để chủ động về nguồn hàng hóa, đáp ứng được các đơn hàng lớn như: Nhà máy chế biến hạt điều, Nhà máy chế biến hạt tiêu; mở rộng hoạt động của Nhà máy xay xát gạo tại Đồng Tháp...
Bên cạnh đó, Hapro sẽ phát triển một mặt hàng xuất khẩu mới như mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để đưa trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị tại nước ngoài. Cùng với đó, Hapro sẽ duy trì và nâng cao hiệu quả kinh doanh tại thị trường nội địa: Mục tiêu của Tổng công ty là duy trì và kinh doanh có hiệu quả các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu HaproMart; hệ thống các cửa hàng chuyên doanh: Thời trang, kim khí điện máy... và hệ thống các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc. Kết nối với các nhà cung cấp và trở thành đại lý phân phối cho nhiều nhà sản xuất có uy tín trên thế giới; đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều, đặc biệt là: Hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, hàng công nghiệp tiêu dùng.
Tổng công ty cũng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các địa điểm kinh doanh thương mại: Quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới kinh doanh phù hợp với công năng sử dụng và chiến lược phát triển của Tổng công ty; tăng cường rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, đẩy mạnh khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng mạng lưới theo quy hoạch. Mục tiêu mà Hapro hướng tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, phát triển mạng lưới, hệ thống hạ tầng thương mại, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Xây dựng văn hóa Tổng công ty có bản sắc riêng biệt, tạo được sức hút đối với khách hàng và đối tác.
Ông Vũ Thanh Sơn cũng khẳng định, sau khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, bằng quyết tâm cao nhất của bộ máy lãnh đạo mới,Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần hy vọng tạo ra bước chuyển biến lớn, tạo đà cho phát triển hoạt động SXKD một cách hiệu quả và bền vững. Mục tiêu lớn nhất mà Hapro hướng tới sau khi thực hiện cổ phần hóa là phát huy giá trị thương hiệu Hapro là thương hiệu bao trùm trong quy hoạch tổng thể các thương hiệu nhánh của Tổng công ty; đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực.
Một số chỉ tiêu quan trọng của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Trong 6 tháng đầu năm 2018, bên cạnh việc triển khai các bước của quy trình cổ phần hóa và đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu, Hapro đã đạt được những kết quả kinh doanh quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 63,6 triệu USD, bằng 143% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD, đạt 57% kế hoạch năm và bằng 152% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh thu 2.676 tỷ đồng, bằng 127% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 2.022 tỷ đồng bằng 57% kế hoạch năm và bằng 152% so với cùng kỳ 2017. Ngay sau ĐHCĐ, Tổng công ty đã nhanh chóng tập trung ổn định tổ chức bộ máy, bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động SXKD nhất là kinh doanh xuất khẩu. Tổng công ty đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sự kiện "Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại Hà Nội" đưa quả vải thiều Thanh Hà vào hệ thống siêu thị HaproMart và Intimex, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ tiêu thụ nhiệt tình của người dân Thủ đô; đã xuất khẩu lô quả vải thiều Thanh Hà đầu tiên vào thị trường Malaysia với tín hiệu rất tích cực, mở ra cơ hội xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Malaysia; đã xuất khẩu được những lô hàng gạo đầu tiên đóng bao 5kg, 10kg/túi của Tổng công ty từ Nhà máy sản xuất chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp vào chuỗi siêu thị Dubai - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), mở ra một hướng đi mới, có tính đột phá trong xuất khẩu của Tổng công ty cổ phần Hapro khi đưa các sản phẩm trực tiếp vào chuỗi bán lẻ tại thị trường nước ngoài nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam. Đồng thời, cuối tháng 6 đầu tháng 7-2018, Tổng công ty đã xuất khẩu được những lô hàng gạo đầu tiên từ Nhà máy SX chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp vào thị trường Mỹ. Những thành tích cụ thể này là tiền đề để 6 tháng cuối năm 2018, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã được đại hội cổ đông thông qua: Đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 117 triệu USD, bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 115 triệu USD, bằng 131% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh thu 6.400 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 3.560 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ 2017. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.