Văn hóa

Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”: Phát huy sức sáng tạo của văn nghệ sĩ

Thụy Du 02/09/2024 08:01

Kế thừa từ những giá trị bền vững của dân tộc, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và được truyền lửa từ tinh thần Cách mạng Tháng Tám quật khởi, lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng phát triển hùng mạnh, tài năng và nhiệt huyết, có nhiều đóng góp giá trị trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng con người Hà Nội, con người Việt Nam mới.

Xác định tầm quan trọng của lực lượng văn nghệ sĩ trong bối cảnh mới sẽ phát huy sức sáng tạo của họ, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

hat.jpg
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Nguồn lực sáng tạo dồi dào

Lực lượng văn nghệ sĩ của Hà Nội mang đặc điểm riêng của vị trí trung tâm văn hóa, nơi tập trung nhiều tên tuổi, nhiều thế hệ tiếp nối cùng về hội tụ. Cụ thể, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội hiện có lực lượng văn nghệ sĩ lên đến 4.400 hội viên, sinh hoạt ở 9 hội chuyên ngành, hoạt động trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc.

Những năm qua, bằng lòng say mê, tâm huyết sáng tạo, các văn nghệ sĩ Thủ đô đã cho ra đời hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị ở các lĩnh vực xuất bản, trưng bày, biểu diễn, phổ biến tới công chúng. Ở lĩnh vực văn học, hiện nay, nhiều thế hệ cùng đồng hành sáng tác. Lớp trước có nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Bằng Việt..., nối tiếp là các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Việt Hà…, trẻ hơn có nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, nhà thơ Lữ Mai… viết về Hà Nội đa dạng, đa chiều và có sức lan tỏa.

Ở lĩnh vực điện ảnh, ba bộ phim “Hoa nhài” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), “Hồng Hà nữ sĩ” (đạo diễn Nguyễn Hữu Việt) là những minh chứng cho thấy đóng góp của điện ảnh Hà Nội trong phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người Hà Nội. Trong lĩnh vực biểu diễn, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, vở ballet “Hồ thiên nga” do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện luôn “cháy vé” mỗi lần công diễn. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa do nhạc sĩ Quốc Trung tổng đạo diễn, đã trở thành thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô, nơi tụ hội của người yêu nhạc khắp thế giới…

Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ (hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội) nhận định, những tác phẩm, chương trình này tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, kích thích sự suy ngẫm và ý thức xã hội, đồng thời nêu cao trách nhiệm đóng góp xây dựng Thủ đô và đất nước...

PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ghi nhận, thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với những tác phẩm có chất lượng về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật; qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tích cực đóng góp xây dựng Thủ đô

Hà Nội đang hướng tới xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Việc phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật với vai trò nòng cốt, tích cực của văn nghệ sĩ hết sức quan trọng.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật, tiếp tục tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm mới. Có thể kể đến là Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Gần đây, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn học, nghệ thuật để thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tạo. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã trao giải cho 56 tác giả, tập thể xuất sắc; Liên hoan phim ngắn Hà Nội (Giải Sao Khuê) lần thứ nhất năm 2024 vừa khép lại vinh danh tác giả của 11 bộ phim giá trị về Hà Nội…

Để tiếp tục phát huy vai trò của văn nghệ sĩ góp phần xây dựng Thủ đô, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, trong thời kỳ mới với sự phát triển và hội nhập sâu rộng, đòi hỏi văn nghệ sĩ Thủ đô phải trau dồi trí tuệ, nhân cách, đạo đức, nâng cao năng lực sáng tạo, nêu cao trách nhiệm trong sáng tác những tác phẩm có giá trị về Hà Nội phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, thành phố cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo; xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, văn học, nghệ thuật như nhà hát, bảo tàng, khu triển lãm, khu biểu diễn nghệ thuật… xứng tầm, để văn nghệ sĩ quảng bá, giới thiệu, bảo tồn tác phẩm văn học, nghệ thuật; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ sáng tác, đồng thời đưa tác phẩm chất lượng của văn nghệ sĩ ra thế giới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”: Phát huy sức sáng tạo của văn nghệ sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.