(HNMO) - Khi đọc các bài báo “Hà Nội sẽ xây sân bay quốc tế ở Tiên Lãng” nhiều người băn khoăn về sự đầu tư liệu đã hợp lý? Thật ra điều đó hoàn toàn có cơ sở...
Đồ án Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua với số tiền đầu tư trên 1,1 triệu tỉ đồng. Ngoài việc đầu tư vào hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, cầu vượt, đường sắt đô thị… thì Hà Nội còn dự định đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không. Ví dụ như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ thành cảng hàng không quốc tế lớn phía Bắc, sau năm 2030 có thể tiếp nhận tới 50 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hoá/năm. Đặc biệt, trong quy hoạch còn định hướng xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô tại Tiên Lãng - Hải Phòng. Vậy cách nhìn định hướng sau vài chục năm như vậy liệu có cơ sở gì không?
Thật ra việc quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế (CHKQT) như thế nào, ở đâu... luôn là đề tài được tranh luận từ nhiều năm nay của các địa phương, cơ quan chức năng. Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 7 CHKQT đang khai thác bao gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Chu Lai, Cần Thơ. Và trong số đó có 4 CHKQT: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh đã và đang đưa, đón các chuyến bay quốc tế. Theo quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến 2020 định hướng đến 2030 thì một số CHKQT sẽ được quy hoạch làm trung chuyển hàng hóa khu vực, đồng thời tính đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương, nhằm thu hút được các hãng hàng không nước ngoài bay đến. Cho nên các CHKQT cần có quy mô, công năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy mô và công nghệ. Do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư có trọng điểm cụ thể, ưu tiên cho các CHKQT xây mới...
Tuy nhiên, dự định xây Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng ở huyện Tiên Lãng thay cho CHK Cát Bi trước đây được quy hoạch là CHKQT nhưng nay đã xác định lại là CHK nội địa còn liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế của Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận. Bởi Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là đầu mối giao thông chính tiến ra biển của các tỉnh miền Bắc.
Với vị trí như thế nên khi thực hiện Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Phòng đến 2025, UBND thành phố Hải Phòng đã có kế hoạch nghiên cứu, đánh giá vị trí quy hoạch CHKQT Hải Phòng. Năm 2010, Hải Phòng đã có tờ trình đề xuất vị trí xây dựng sân bay tại các xã: Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là vị trí nằm trong trung tâm vùng tam giác kinh tế trọng điểm miền Bắc gồm Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ, là một trong những khu vực có điều kiện phát triển nhanh và năng động nhất cả nước. Hơn nữa, khu vực quy hoạch là địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện thời tiết khí hậu trong khu vực thuận lợi cho hoạt động bay vì nằm sát biển, ít núi cao nên quy hoạch vùng trời, tĩnh không tiếp cận không bị ảnh hưởng bởi địa hình, địa vật xung quanh, khai thác được các loại máy bay lớn như B747, A380... Chính vì thế, CHKQT Hải Phòng càng tăng khả năng kết nối giữa các trung tâm đô thị, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Trên cơ sở đó, ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 640/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vị trí Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng với diện tích gồm 4.500ha thuộc 4 xã: Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Quy mô đạt cấp 4F có thể tiếp nhận các loại máy bay B747, A380. Các khu chức năng gồm: Hệ thống đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu điều hành bay, khu điều hành khai thác, khu công nghiệp hàng không, thành phố sân bay, khu phụ trợ... Mục tiêu của dự án là giảm tải cho CHKQT Nội Bài và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn cả khu vực, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tổng vốn dự kiến cho CHKQT Hải Phòng là 12 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 đến 2025 cần 3,3 tỷ USD, giai đoạn 2 đến 2035 cần 3,6 tỷ USD, giai đoạn 3 đến 2050 cần 5,1 tỷ USD. Căn cứ quyết định trên, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị nghiên cứu đầu tư Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng vào một thời điểm thích hợp, có thể là sau giai đoạn 2025-2030.
Như vậy có thể nói xây dựng CHKQT Hải Phòng đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và đã phê duyệt quy hoạch vị trí. Nhưng theo Luật đầu tư, Cảng hàng không là lĩnh vực đầu tư có điều kiện liên quan đến chủ quyền an ninh quốc gia nên việc xác định nguồn vốn đầu tư vào từng hạng mục là rất quan trọng. Vì vậy, đồ án quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội nói chung, hàng không nói riêng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, ngoài việc cải tạo, nâng cấp cảng hàng không, Sân bay quốc tế Nội Bài, quy hoạch Cảng hàng không Gia Lâm, Sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn... phục vụ cho mục đích quân sự, nhưng vẫn có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu, thì việc định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô tại Tiên Lãng, Hải Phòng là hoàn toàn có cơ sở thực hiện vì sự phát triển xứng tầm của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.