Cần xây dựng rõ tiêu chí để tránh tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội.
Ngày 17-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 2; điểm a, b, c khoản 3 Điều 23 của Luật Thủ đô) và Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1; điểm d khoản 3; khoản 5 điều 23 của Luật Thủ đô).
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết, nội dung hỗ trợ việc hình thành, quản lý, vận hành hạ tầng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được chia làm 2 nhóm chính.
Thứ nhất, chính sách áp dụng đối với hạ tầng do thành phố quản lý. Theo đó, thành phố ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, quỹ đất, khuyến khích hợp tác công - tư để hình thành phát triển và vận hành hạ tầng này; miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, ưu đãi thuế và hỗ trợ thủ tục pháp lý...
Nhóm thứ hai là chính sách áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ có đủ điều kiện theo quy định, nhằm hỗ trợ hình thành và vận hành hạ tầng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các đơn vị này được hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng, mua sắm thiết bị, phần mềm, vận hành, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị...
Đối với hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trọng điểm khoa học và công nghệ của Thủ đô, thành phố hỗ trợ 50% chi phí cho các hoạt động như tiếp nhận, mua công nghệ trong và ngoài nước; đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển mô hình kinh doanh và xúc tiến thương mại hóa công nghệ… Đối với hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các chủ thể được hưởng mức hỗ trợ tài chính linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển…
Góp ý về Quy định cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế (Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết đã chi tiết các quy định khoản 1, điểm d khoản 3 và khoản 5 điều 23 của Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là các quy định cốt lõi liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương thức khoán, chuyển giao không bồi hoàn và cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô. Hiện nay, chúng ta đã có các lĩnh vực trọng điểm nhưng lại chưa rõ quy trình xác định danh mục nhiệm vụ trọng điểm. Do đó, PGS, TS Bùi Thị An đề nghị Ban soạn thảo nên xây dựng rõ tiêu chí để tránh tiêu cực và không hiệu quả.
Từ thực tiễn thời gian qua, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo khẳng định, việc ban hành Nghị quyết sẽ mở ra cơ hội mới, thuận lợi mới về cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, cho phép vận dụng tốt hơn các cơ chế đặc thù để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc.
Còn Phó Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Mai Đức Thắng nhấn mạnh, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là yêu cầu tất yếu, thể hiện tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo. Để cơ chế này phát huy hiệu quả mà không trở thành kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, dự thảo đã bổ sung một số nội dung bảo đảm tính chặt chẽ như: Quy định rõ tiêu chí rủi ro được chấp nhận trong nghiên cứu; cơ chế giám sát, đánh giá giữa kỳ và hậu kiểm các dự án; trách nhiệm của hội đồng khoa học, cơ quan chủ trì và người đứng đầu tổ chức thực hiện...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận, các ý kiến đã thể hiện tinh thần đồng hành cùng Mặt trận và thành phố, tham gia trực tiếp vào những vấn đề rất quan trọng mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và cụ thể hóa những nội dung nghị quyết mới của Trung ương và thành phố.
Bên cạnh việc đánh giá cao Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng 2 dự thảo, đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị Sở tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, lưu ý phân nhóm, phân lĩnh vực, từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.