(HNM) - Quỹ hưu trí bổ sung là một ý tưởng mới được đưa ra nghiên cứu ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập cho người nghỉ hưu. Nếu thực hiện được việc này, những người nghỉ hưu sau những năm cống hiến sẽ được đãi ngộ tốt hơn, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên mức đóng góp quỹ này như thế nào, thời điểm nào có thể triển khai thực hiện đang còn là vấn đề được các doanh nghiệp và các nhà quản lý bàn thảo.
Người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung sẽ được hưởng nhiều quyền lợi cũng như bảo đảm cuộc sống sau khi về hưu. Trong ảnh: Phát tiền lương cho cán bộ hưu tại phường Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh: Linh Tâm |
Theo Luật BHXH, chúng ta đang thực hiện nhiều chế độ bảo hiểm như BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, để được coi là một nguồn thu nhập chính ổn định cho người lao động sau khi nghỉ hưu hiện mới chỉ có hình thức BHXH bắt buộc đang chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí. Nhìn chung, mức hưởng lương hưu hiện còn thấp, chỉ bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, như vậy bảo hiểm xã hội sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu là thu nhập duy nhất của số đông người nghỉ hưu nên đời sống vẫn còn khó khăn. Chưa kể quỹ hưu trí cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối. Theo tính toán mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, quỹ hưu trí và tử tuất mặc dù số thu 2010 tăng 35,8% trong khi số chi chỉ tăng 29,3%, nhưng nguyên nhân tăng là do tỉ lệ đóng BHXH năm 2010 tăng thêm 2% chứ không phải do giảm chi. Nếu so sánh thực tế, số chi vẫn chiếm 77,6%, như vậy quá lớn để cân đối thu-chi.
Một con số thống kê khác cho thấy, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm nhanh. Cụ thể, nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, thì năm 2000 giảm xuống còn 34 người, năm 2004 còn 19 người, năm 2007 còn 14 người, năm 2009 còn 11 người và đến 2010 chỉ có 10,7 người. Như vậy có thể thấy quỹ hưu trí tiềm ẩn nguy cơ không thể bảo đảm chi trả trong một tương lai gần. Hiện lương hưu được chi trả tính trên số tiền lương đóng BHXH trong quãng thời gian công tác của đối tượng này (chỉ bằng 56,6% thu nhập thực tế). Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mức chi trả lương hưu đạt thấp, đời sống của người về hưu khó được cải thiện. Chính vì vậy, quỹ hưu trí bổ sung là một nhu cầu thực tế bởi lương hưu hiện nay là thu nhập duy nhất của người nghỉ hưu. Với ý tưởng xây dựng quỹ hữu trí bổ sung đã nhận được sự hưởng ứng của cả doanh nghiệp và người lao động.
Kết quả của một khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp về việc xây dựng quỹ hưu trí bổ sung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do Bộ LĐ-TB&XH tiến hành với 65.424 lao động tại 127 doanh nghiệp nhà nước, 108.408 lao động tại 286 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 31.075 lao động tại 197 doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho thấy, trong tổng số 610 doanh nghiệp nói trên có 429 doanh nghiệp cho biết sẵn sàng tham gia quỹ hưu trí bổ sung, chiếm 70,33%. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều nhận thấy, chương trình hưu trí bổ sung có thể trở thành một công cụ hữu hiệu đối với doanh nghiệp cũng như bảo đảm cuộc sống sau khi về hưu. Khảo sát cũng đưa ra đối tượng để áp dụng chế độ hưu trí. Có tới 334 doanh nghiệp cho rằng, nên áp dụng với tất cả lao động; 25% doanh nghiệp cho rằng chỉ áp dụng đối với người có tiền lương cao hơn trần đóng BHXH. Còn tỉ lệ đóng của doanh nghiệp và người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung là: người sử dụng lao động 70%, người lao động 30%... Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần đóng BHXH của Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 không quá 20 tháng lương tối thiểu cũng khiến cho doanh nghiệp và người lao động đồng tình với việc xây dựng thêm một quỹ hỗ trợ này.
Về vấn đề quỹ hưu trí bổ sung nên giao cho tổ chức nào thực hiện, kết quả điều tra cho thấy, có 453 doanh nghiệp (chiếm 74,26%) được hỏi cho rằng nên giao cho BHXH Việt Nam thực hiện; 9,02% doanh nghiệp cho rằng nên để cho doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tiến hành; 8,2% ý kiến cho rằng nên để chính doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện; 6,56% doanh nghiệp ủng hộ phương án thành lập một tổ chức mới.
Theo bà Nga, khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Cụ thể: tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do mọi nguyên nhân được thanh toán 1 lần (24 tháng); quyền lợi được tăng lên trong trường hợp tử vong do tai nạn lao động (12 tháng); mất khả năng lao động tạm thời (tối đa 3 tháng)...
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện BHXH bắt buộc (bao gồm chế độ hưu trí) ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người đóng với mức hưởng còn thấp. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu bổ sung Luật BHXH theo hướng tăng số người tham gia và tăng mức hưởng nhằm bảo đảm hơn nữa đời sống cho người lao động sau khi nghỉ hưu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.