Chính trị

Xây dựng quận Gia Lâm phát triển toàn diện, bền vững

Bảo Hân (ghi) 22/09/2023 - 16:13

Bên lề kỳ họp thứ mười ba - HĐND thành phố Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà đã chia sẻ về những công việc sẽ bắt tay thực hiện ngay sau khi được HĐND thành phố thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận.

37ed5a94ba2f6f71363e.jpg
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà chia sẻ bên lề kỳ họp thứ mười ba - HĐND thành phố Hà Nội.

- Việc HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng có ý nghĩa như thế nào đối với huyện, thưa ông?

- Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, nhằm một bước cụ thể hóa chủ trương theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và định hướng của thành phố về phát triển huyện Gia Lâm theo hướng thành lập quận “Văn hiến - Văn minh – Hiện đại”, phát triển toàn diện, bền vững và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Việc này cũng được khẳng định là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo tiền đề cho huyện Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch đang được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; khai thác được tối đa lợi thế kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.

Quận Gia Lâm khi được thành lập có diện tích tự nhiên được giữ nguyên trạng là 116,64km2 và quy mô dân số hơn 300.000 người. Trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm, quận có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức.

Tại kỳ họp HĐND sáng nay, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, việc thành lập quận Gia Lâm là cần thiết, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Lâm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đây cũng là một trong những tiền đề nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” xứng tầm là một trong những “Trung tâm chính trị - kinh tế, du lịch, thương mại - dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Thành phố “Kết nối toàn cầu” theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm.

- Vậy ông có thể cho biết, ngay sau kỳ họp này, huyện sẽ triển khai các công việc cụ thể ra sao?

- Ngay sau kỳ họp thứ mười ba - HĐND thành phố, huyện sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập báo cáo rà soát các tiêu chí phân loại đô thị đối với thành phố Hà Nội để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là các điều kiện hết sức quan trọng trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập quận Gia Lâm.

huyen-gia-lam.jpeg
Quận Gia Lâm được định hướng phát triển theo hướng “Văn hiến - Văn minh – Hiện đại”, toàn diện, bền vững và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Dự kiến, quận mới sẽ có 16 đơn vị hành chính, trong đó hiện có 12/16 đơn vị đáp ứng đầy đủ 16/16 tiêu chí, còn lại 4 đơn vị để thành lập phường, mỗi đơn vị thiếu một tiêu chí. Cụ thể, Trâu Quỳ chưa đạt tiêu chí về đất công trình giáo dục; Dương Quang chưa đạt về mật độ đường cống thoát nước chính; Lệ Chi và Thiên Đức chưa đạt về cơ sở thương mại. Huyện sẽ tập trung lập các dự án đầu tư xây dựng để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí này.

- Quá trình xây dựng huyện trở thành quận thời gian tới sẽ tập trung vào những nội dung nào thưa ông?

- Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đồng thời tập trung rà soát, nhận diện đúng, đủ các tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát huy, tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực để duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và có định hướng khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh các làng nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các dự án cụm công nghiệp.

Huyện đồng thời duy trì tốt công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị và đô thị sinh thái; tiếp tục giữ gìn, khơi dậy và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, di tích lịch sử và các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương theo hướng phát triển đồng bộ văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quận Gia Lâm phát triển toàn diện, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.