(HNM) - Đông Anh là huyện sớm đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố Hà Nội và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc phát triển thành trung tâm động lực của Thủ đô bên bờ Bắc sông Hồng, nên có những đặc thù riêng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.
- Là một trong những huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, ông có thể chia sẻ những kết quả đạt được của Đông Anh trong tiến trình này?
- Năm 2016, Đông Anh đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 23/23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 4 năm so với kế hoạch. Ngoài ra, đến nay, đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, Đông Anh đã đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 12 xã trong giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, dự kiến đến cuối năm 2023 huyện Đông Anh sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước kế hoạch 2 năm (kế hoạch là đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); đồng thời hoàn thành đề án, tiêu chí xây dựng huyện thành quận và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án chuyển huyện thành quận, các xã, thị trấn thành phường.
- Vậy, đâu là điểm khác biệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở huyện Đông Anh, thưa ông?
- Với lộ trình hướng tới mục tiêu trở thành một quận và tương lai sẽ là một thành phố bên bờ Bắc sông Hồng, xây dựng nông thôn mới nâng cao của Đông Anh có nhiều nét riêng, nhiều thách thức khi phải thực hiện đồng bộ cả tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và tiêu chí của một quận. Để thực hiện mục tiêu trên, Đông Anh xác định bảo tồn văn hóa là nguồn mạch, phát huy kinh tế là thế mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết là sức mạnh.
Quá trình thực hiện bộ tiêu chí hợp nhất của huyện Đông Anh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Theo tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, còn 1 tiêu chí cơ bản đạt và 2 tiêu chí chưa đạt; tiêu chí huyện thành quận đã đạt 29/31 tiêu chí. Hai tiêu chí chưa đạt huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện hoàn thành trong năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quản lý đất đai, môi trường, nguồn lực…; và huyện đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
- Thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp gì để giải quyết hiệu quả những vấn đề nêu trên, qua đó hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra?
- Đối với tiêu chí môi trường, huyện Đông Anh sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”, trong đó phát huy cao vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội trong tuyên truyền, vận động nhằm tăng tỷ lệ hộ tham gia đề án. Mặt khác là bố trí kinh phí tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Ngoài ra, huyện tập trung hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải chính thuộc lưu vực Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Bắc Thăng Long theo quy hoạch; đồng thời, đề xuất thành phố sớm công nhận mô hình xử lý nước thải cho khu vực dân cư tập trung tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà làm cơ sở để đầu tư các trạm xử lý cục bộ nước thải sinh hoạt tại các cụm dân cư trên địa bàn.
Về công tác quản lý đất đai, huyện đã tập trung rà soát và xây dựng Đề án Quản lý, khai thác và sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất nông nghiệp công ngoài công ích và đất bãi bồi ven sông trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2023 và những năm tiếp theo nhằm mục đích quản lý chặt chẽ quỹ đất, không để xảy ra vi phạm, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo nguồn lực cho phát triển.
Để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển huyện thành quận, xã thành phường, Đông Anh đề nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội khu vực ngoài phát triển đô thị (khoảng 2.000ha thuộc địa bàn các xã: Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn, Dục Tú) thành khu vực phát triển đô thị và lập quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở tổ chức thực hiện. Cùng với đó là hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc khi triển khai điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung các xã; quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn khu vực ngoài đô thị cũng như các dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa, xã hội... Huyện cũng đề xuất Thành ủy, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, rà soát lập quy hoạch không gian ngầm; định hướng, lập quy hoạch chi tiết cho không gian xung quanh các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn huyện…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.