(HNM) - Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội có nhiều xã nằm hoàn toàn phía ngoài đê Sông Hồng, Sông Đà, với đặc thù người dân đã định cư ổn định hàng trăm năm.
Do nằm ngoài đê, "vướng" các quy định của Luật Đê điều nên nhiều năm nay, các xã diện này thường không được chấp thuận khi xây dựng những công trình hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn đầu tư xây dựng NTM.
Không thể "bốc" cả làng đi được
Xã Duyên Hà là một trong 3 xã nằm hoàn toàn ngoài đê Sông Hồng của huyện Thanh Trì. Lãnh đạo xã này cho biết, do nằm ngoài vùng bãi nên các công trình xây dựng hạ tầng ở địa phương đều không được cấp phép. Ngay trụ sở làm việc của Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng chưa xây dựng được.
Còn người dân trong xã thì than thở: Chúng tôi cũng đóng góp thuế cho Nhà nước đầy đủ như các xã khác, nhưng muốn cấp đất giãn dân cũng không được. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì ông Đặng Đức Quỳnh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 3 xã Duyên Hà, Yên Mỹ và Vạn Phúc nằm hoàn toàn phía ngoài đê. Do vướng vào Luật Đê điều, chỉ giới thoát lũ nên nhiều năm nay cơ sở hạ tầng ở các xã này không được đầu tư, người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Hà Nội có khá nhiều địa phương ở hoàn cảnh tương tự, đó là các xã Vân Phúc (Phúc Thọ); Văn Đức, Kim Lan (huyện Gia Lâm), xã Tản Hồng (huyện Ba Vì)... Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, địa phương đã quy hoạch khu đấu giá đất phía ngoài đê (không nằm trong chỉ giới thoát lũ) nhưng vẫn không được các sở, ngành thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá.
Tương tự, tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm xã nằm hoàn toàn ngoài bãi có lịch sử hình thành hơn 1.000 năm. Chủ tịch UBND xã này cho biết, 35ha đất xen kẹt trong khu dân cư ở đây nhiều năm nay bỏ hoang không sản xuất được rất lãng phí. Địa phương đã đề nghị cấp trên cho đấu giá quyền sử dụng đất để lấy kinh phí xây dựng NTM nhưng không được chấp thuận. Trong khi đó, triển khai xây dựng NTM cần một nguồn vốn rất lớn, nếu thành phố chậm tháo gỡ thì sẽ rất khó có thể hoàn thành xây dựng NTM.
Được biết, trước đây HĐND TP Hà Nội có Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND "Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố đến năm 2020". Tại Điều 2 nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo trong đó có nội dung: "Tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khi di chuyển các hộ dân trong vùng thoát lũ theo đúng quy định tạo sự ổn định, không gây xáo trộn lớn về mặt xã hội ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân". Tuy nhiên, người dân đã sinh sống ở đây hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm nay, di chuyển đi là một việc không đơn giản và cũng không thể "bốc" cả làng đi được.
Cần điều chỉnh luật
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, qua rà soát, đến ngày 31-10-2013, toàn thành phố có 251 khu dân cư, diện tích hơn 224ha với 6.744 hộ dân và 30.177 nhân khẩu nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều; 197 khu dân cư, diện tích gần 2.855ha với 30.230 hộ dân và 129.567 nhân khẩu nằm trong chỉ giới thoát lũ. Triển khai xây dựng NTM, rất nhiều địa phương đã kiến nghị thành phố sớm có hướng tháo gỡ để các đơn vị này được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở làm việc… đáp ứng đủ những tiêu chuẩn để công nhận là xã NTM, đồng thời, huy động được vốn để tái đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ khó khăn với các địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã nghiên cứu, đề xuất với Bộ NN&PTNT giải quyết cho từng trường hợp cụ thể. Đối với các xã nằm ngoài đê vẫn phải tuân thủ quy định tại Luật Đê điều hiện hành và quy hoạch chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Mỹ, hiện nay, nhiều công trình thủy điện được xây dựng phía đầu nguồn nên Sông Hồng gần như không có lũ lớn ở cấp báo động 2.
Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh Luật Đê điều cho phù hợp với điều kiện thực tế, gỡ khó cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo thành phố thực trạng và đề xuất hướng tháo gỡ. Hiện Hà Nội đang trình cấp trên phê duyệt Quy hoạch đê điều, sau khi có quy hoạch sẽ triển khai các bước tiếp theo để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.