(HNM) - Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010-2015, định hướng đến năm 2030 của huyện Ba Vì đặt ra mục tiêu phát triển nông thôn theo hướng CNH-HĐH, rút dần khoảng cách chênh lệch đời sống vật chất, tinh thần giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM ở Ba Vì còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều tiêu chí khó đạt, thiếu vốn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nông dân chưa mặn mà.
Hệ thống giao thông tại nhiều điểm trên địa bàn huyện Ba Vì đã được bê tông hóa. Ảnh: Minh Huyền |
12 tiêu chí khá đạt chuẩn
Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, qua khảo sát thực tế, so với tiêu chí quốc gia về NTM trên địa bàn, chỉ có 1 tiêu chí về hệ thống an ninh trật tự xã hội là đạt hoàn hảo. 6 tiêu chí về cơ bản đạt đủ theo quy định là hệ thống điện nông thôn, bưu điện, giáo dục, y tế, văn hóa và hệ thống tổ chức chính trị xã hội. Còn lại 12 tiêu chí khó đạt theo tiêu chuẩn NTM là quy hoạch, giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất giáo dục, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Theo ông Dần, sở dĩ các tiêu chí NTM mà các khu dân cư ở Ba Vì chưa đạt, vì nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu nhiều, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng khó khăn, vì kinh phí cho đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn. Vốn đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay vẫn dựa vào huy động sức dân là chính, nên nguồn vốn còn hạn hẹp. Đồng thời, vấn đề khó khăn nhất hiện tại vẫn là công tác quy hoạch nông thôn. Ở nhiều địa phương, việc quy hoạch xây dựng NTM không giữ được bản sắc riêng, không phù hợp với từng địa điểm cụ thể.
Chính vì vậy, trong tháng 7 này, huyện Ba Vì mới chỉ lập xong đề án và đang trình thành phố thẩm định phê duyệt, lập quy hoạch đối với mô hình NTM điểm ở xã Cổ Đô. Đối với 7 xã trong giai đoạn 1: Đồng Thái, Tản Hồng, Châu Sơn, Phú Châu, Đông Quang, Thuần Mỹ, Phong Vân, huyện phấn đấu đến hết tháng 8-2010 sẽ lập xong đề án trình thành phố.
Chung tay xây dựng NTM
Theo ông Dần, trong thời gian tới trọng tâm về NTM vẫn là xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết là hệ thống giao thông, điện, tiêu thoát nước. Trong điều kiện nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp, địa phương xác định huy động nội lực là chính và dựa vào sự hỗ trợ cộng đồng do người dân làm chủ. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của từng thôn, xã Ba Vì sẽ xây dựng cơ chế đóng góp phù hợp bằng cả ngày công, tài chính, vật tư, phát huy tối đa khả năng đóng góp của người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Để xây dựng NTM mang lại hiệu quả cao, Ba Vì thực hiện phát động phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp dân cư để họ hiểu được lợi ích của mô hình NTM mang lại.
Bên cạnh nội lực của địa phương, ông Dần đề nghị Nhà nước nên hỗ trợ các nội dung thiết yếu như: đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống trục đường giao thông chính của xã, bưu điện, trường học, trụ sở ủy ban và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng đường giao thông từ thôn, xóm, hệ thống cung cấp nước sạch, sân vận động, nhà văn hóa cộng đồng… Việc hỗ trợ cũng chia theo vùng, những vùng khó khăn hỗ trợ nhiều hơn. Về trình tự thủ tục thu hồi đất, thành phố nên phân cấp cho huyện theo hướng giảm thủ tục hành chính, đơn giản, dễ làm, tiết kiệm thời gian, kinh phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.