(HNM) - Dù là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới, song vị thế của nông sản Việt ở cả thị trường trong nước và quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai nhiều giải pháp xây dựng nhãn hiệu cho nông sản.
Giá trị tăng, hiệu quả rõ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam là vấn đề sống còn. Do vậy, nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, luôn chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản chủ lực.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, năm 2015, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán gấp 2,5-3 lần so với trước đây. Nhờ có thương hiệu, hợp tác xã đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Tương tự, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam, nhờ có thương hiệu đã đến được những thị trường “khó tính” trên thế giới. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thông tin, các loại quả như xoài, thanh long, nhãn, vú sữa... đã xuất khẩu sang 60 quốc gia, chiếm gần 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới.
Về việc xây dựng nhãn hiệu nông sản Việt Nam thời gian qua, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, nhờ xây dựng được nhãn hiệu tập thể, Việt Nam đã có 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt
giá trị giá xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm.
Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc phát triển nhãn hiệu cho nông sản có vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai); Gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai)... Thực tế cho thấy, các sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị với giá bán tăng thêm 15-20%. “Đặc biệt, việc xây dựng nhãn hiệu còn góp phần giúp các hợp tác xã, người nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.
Chú trọng bảo vệ, xây dựng nhãn hiệu
Hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đã rõ, tuy nhiên tình trạng nhãn hiệu nông sản của doanh nghiệp này bị doanh nghiệp khác đăng ký ở nước ngoài vẫn diễn ra. Đơn cử, tháng 4-2021, thương hiệu gạo ST25 của Sóc Trăng đã bị 4 doanh nghiệp đăng ký bản quyền ở Mỹ. Trước đó, nước mắm Phú Quốc cũng đã bị một số doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, nhưng phần lớn xuất khẩu dưới dạng thô.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện có khoảng 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam đã được đăng ký. Để không xảy ra tình trạng tương tự, các doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, nhằm giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp hiểu rõ về vai trò của nhãn hiệu trong thương mại quốc tế, thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nhãn hiệu; tăng cường giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm...
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Phùng Thị Thu Hương cho rằng, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu; ghi chép nhật ký sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc, xuất xứ…
Về phía cơ quan quản lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP; đồng thời, đưa doanh nghiệp vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng vùng nguyên liệu; thúc đẩy các hoạt động liên kết theo chuỗi nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; trong đó, ưu tiên các mặt hàng có thế mạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.