Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính: Khó vẫn phải làm

Lâm Vũ| 30/05/2013 06:08

(HNM) - 2,6 triệu người Việt Nam bị khiếm thính đang giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) không thống nhất dù không ít dự án xây dựng hệ thống NNKH chung đã ra đời.


Hiện tại, ngoài 3 loại phương ngữ ký hiệu chính là Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh còn có các ký hiệu lấy từ NNKH của nước ngoài được dùng trong dự án đào tạo giáo viên khiếm thính. Sức lan tỏa của hệ thống NNKH không thuần Việt này ngày một rộng và dẫn đến tình trạng rối rắm, khó thay đổi, khó chỉnh sửa, nhất là khi chúng ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày của những người khiếm thính. 

Dạy chữ cho các em khiếm thính tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt


TS Cao Thị Xuân Mỹ, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta đang "thả nổi" NNKH, không định hướng, không hỗ trợ người khiếm thính trong việc hình thành ngữ pháp để có được những quy luật cơ bản, giúp các ký hiệu giao tiếp đó trở thành một hệ thống NNKH thật sự. Cho đến hiện tại, việc dạy NNKH chỉ dừng ở việc cung cấp các ký hiệu".

Đối với trẻ em, Việt Nam hiện chưa tạo ra môi trường thích hợp cho trẻ khiếm thính mầm non phát triển kỹ năng ký hiệu để có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Học sinh khiếm thính mầm non không được dạy ký hiệu giao tiếp nên buộc phải học nói theo yêu cầu của cha mẹ, của các cơ sở chăm sóc trẻ và các dự án giáo dục của nước ngoài dù có khả năng hay không! Trong khi đó, khi ra ngoài môi trường giáo dục, trẻ lại bi bô nói chuyện cùng nhau bằng những ký hiệu giao tiếp mà bẩm sinh trẻ khiếm thính đã có hoặc học trong môi trường cộng đồng khiếm thính của mình. Không được dạy, trẻ tự học, tự tạo cho riêng mình vốn ký hiệu - vốn từ nghèo nàn, không khoa học. Vào tiểu học, học sinh khiếm thính cũng không có tiết học NNKH. Chúng vẫn tự học ký hiệu trong cộng đồng do vậy vốn từ không phong phú, phát triển ngẫu nhiên. Giáo viên thì không biết hoặc biết quá ít về ký hiệu nên không thể giảng giải, giao tiếp với học sinh. Đây là lý do chính vì sao chất lượng học tập của học sinh khiếm thính Việt Nam không cao.

Làm gì để xây dựng ngôn ngữ ký hiệu?

Trong khi Việt Nam còn chưa thống nhất được bộ ký hiệu cho người khiếm thính thì ở nhiều nước, NNKH đã hình thành từ rất lâu. Điển hình là Cộng hòa Séc và Mỹ. Năm 1988, Quốc hội Cộng hòa Séc thông qua đạo luật chính thức công nhận NNKH Séc là ngôn ngữ chính dành cho người khiếm thính tại quốc gia này. Người khiếm thính có quyền được nhận dịch vụ phiên dịch NNKH miễn phí 24/24h. Trẻ em khiếm thính có quyền được giáo dục bằng NNKH bản địa, cha mẹ chúng được dự các lớp học NNKH miễn phí. Còn tại Mỹ, cho đến hiện tại, hai mươi tám bang đã thông qua đạo luật nhìn nhận NNKH Mỹ ASL như là một ngoại ngữ và nhiều trường cao đẳng, đại học chấp nhận ASL như một ngoại ngữ cho các tín chỉ bắt buộc hoặc tự chọn trong chương trình đào tạo. Số sinh viên biết ASL ngày càng nhiều và họ chính là cầu nối cho việc hòa nhập cộng đồng của người khiếm thính.

TS Cao Thị Xuân Mỹ cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu cách xây dựng NNKH của các nước trên thế giới, so sánh đối chiếu với hệ thống ký hiệu giao tiếp của người khiếm thính Việt Nam nhằm tìm ra những quy luật hình thành các ký hiệu, xây dựng quy luật chuẩn trong giao tiếp giữa người khiếm thính với nhau, giữa người khiếm thính với người bình thường. Trên cơ sở các quy luật chuẩn sẽ xây dựng hệ thống ký hiệu cơ bản, bảo đảm được "cái gốc" để vùng miền nào cũng có thể hiểu ý nghĩa của ký hiệu mới khi giao tiếp. Thực tế cho thấy, tại các quốc gia nơi NNKH phát triển, giới nghiên cứu chỉ đưa ra những quy luật chuẩn của loại hình ngôn ngữ này, không hề áp đặt một hệ thống ký hiệu thống nhất cho cộng đồng khiếm thính của đất nước họ. Các quy luật đó tập trung vào cơ sở hình thành một ký hiệu (từ) và cách gắn kết các ký hiệu để diễn đạt ý (câu) trên cơ sở tư duy đặc thù của người khiếm thính. Theo hướng đi này hiện nay, dù ký hiệu ở các tỉnh của Pháp khác nhiều so với ở Paris, ký hiệu ngôn ngữ ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng không giống nhau hoàn toàn, song điều này không cản trở sự giao tiếp trong cộng đồng khiếm thính.

TS Cao Thị Xuân Mỹ cũng nhấn mạnh, chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra những quy định chung trong cách diễn đạt bằng NNKH các loại câu, đặc biệt là câu hỏi, câu cầu khiến của người khiếm thính. Có vậy người khiếm thính mới không gặp khó khăn khi diễn đạt những dạng câu hỏi, người bình thường sẽ hiểu đúng nội dung muốn trao đổi của người đối diện.

2,6 triệu người khiếm thính trên toàn quốc là con số không nhỏ nên việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ ký hiệu cho đối tượng này là bài toán khó nhưng không thể không làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính: Khó vẫn phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.