Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện nghi phạm, thủ phạm hoặc nạn nhân của một số vụ việc liên quan đến ma túy, mại dâm, bạo lực, bạo hành… là những người có tuổi đời khá trẻ, thậm chí đang là học sinh, sinh viên.
Trước thực trạng này, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm trang bị cho giới trẻ những kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng thời xây dựng môi trường sống, học tập lành mạnh cho họ.
Giáo dục lối sống tích cực
Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước hiểm họa ma túy và các vấn đề xã hội phức tạp khác, trước hết mỗi học sinh, sinh viên cần có kỹ năng. Do đó, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường…
Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) vừa tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường vào ngày 16-10. Tại chương trình, hơn 1.800 học sinh của nhà trường đã nghe Trung tá Phạm Cánh Quân, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hoàn Kiếm) thông tin về cách nhận biết các loại ma túy, chất gây nghiện. Đó là thuốc phiện, cần sa, tinh dầu cần sa, heroin, cocain, các loại ma túy tổng hợp (hồng phiến, ketamin, thuốc lắc), các loại ma túy mới (nước vui, nước biển, cỏ Mỹ, nước dâu, nước xoài...), các chất kích thích (bóng cười, thuốc lá điện tử, shisha...). Nếu sử dụng các chất ma túy, người trẻ sẽ bị ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, rối loạn nhân cách hành vi, tàn phá sức khỏe…
Trong một số trường hợp, người nghiện, người sử dụng ma túy còn tham gia hoạt động phạm tội. Ngoài ra, các em còn được cung cấp kiến thức về bạo lực học đường. Em Nguyễn Gia Bảo, học sinh khối 9 cho biết: “Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng em hiểu rằng, ở độ tuổi học sinh cần chú trọng vào học tập, vui chơi lành mạnh; không tụ tập chơi bời với những người bạn không tốt, không thử các chất ma túy, không gây bạo lực học đường…”.
Nhiều trường học khác trên địa bàn quận Thanh Xuân lồng ghép sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên vào các giờ học chính khóa, ngoại khóa.
Còn tại quận Hà Đông, tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với Công an quận đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường, giáo dục về lối sống lành mạnh cho học sinh các cấp. Cùng với đó, tổ chức cho học sinh ký cam kết không liên quan đến tệ nạn ma túy, có xác nhận phối hợp quản lý của gia đình người học theo từng năm học; đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh về tình hình ma túy trong và ngoài nhà trường.
Cùng mục tiêu thiết lập “rào chắn” không để tệ nạn xã hội thâm nhập học đường, Trường Trung học phổ thông Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) và Công an xã Sơn Đà vừa xây dựng quy chế phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh trường học năm 2023-2024. Đây cũng là cách làm của nhiều trường học tại Ba Vì.
Ngoài những địa chỉ nêu trên, song hành với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2023-2024, tất cả các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung, ưu tiên xây dựng trường học an toàn, thân thiện, góp phần giúp giới trẻ hiểu rõ và chủ động tránh xa các tệ nạn xã hội.
An toàn từ gia đình, cộng đồng
Thực tế cho thấy, với người trẻ, môi trường gia đình, cộng đồng có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ, hành vi của họ. Thế nên, việc tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh từ gia đình, cộng đồng luôn được đặc biệt chú trọng.
Theo hướng này, ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình “Gia đình văn hóa”, không xem xét công nhận danh hiệu đối với gia đình có thành viên vướng tệ nạn xã hội... Hội Người cao tuổi phát triển mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... Còn các cấp Hội Phụ nữ quan tâm trang bị kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan cho các hội viên… Chị Nguyễn Thị Hiên, trú tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho hay: “Hiểu được vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của con cái, chúng tôi ưu tiên dành thời gian, làm người bạn đồng hành của con từ việc học tập đến hoạt động vui chơi”.
Trong khi đó, các địa phương tập trung “làm sạch” những địa bàn, địa điểm, khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội bằng cách thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Chẳng hạn, rạng sáng 8-10 vừa qua, Công an phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) bắt quả tang một đối tượng mang theo chất ma túy ở khu vực đầu ngõ 108 phố Thụy Khuê. Đối tượng được xác định là Lê Thành Đạt (sinh năm 1994), trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, đã có 2 tiền án về ma túy.
Việc đổi mới hình thức truyền thông về phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác tại cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tích cực. Thiếu tá Tăng Viết Tĩnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy (Công an huyện Đan Phượng) cho biết, công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng của huyện tập trung vào các nhóm trẻ tuổi, vừa thông qua hội nghị, tuyên truyền lưu động, phương tiện truyền thông đại chúng, vừa qua các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của thành phố luôn có sự chung tay của các cấp, ngành và gia đình, cộng đồng, qua đó tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho giới trẻ phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.