Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng môi trường du lịch văn minh

Hoàng Lân| 31/05/2019 13:40

(HNMO) - Ngày 21-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Trường kỳ dẹp bỏ nạn “chặt chém”

Nạn “chặt chém” khách du lịch quốc tế đến nay vẫn luôn là vấn đề “nóng” của ngành du lịch Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Những câu chuyện như 850.000 đồng một miếng dán đế dép tông, 500.000 đồng để mua một gói tăm, 80.000 đồng/4 cái bánh rán, trả lại tiền "âm phủ" cho khách nước ngoài, thậm chí còn có hiện tượng “dàn cảnh” có tổ chức để chèn ép, nâng giá... xảy ra thời gian qua đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Hà Nội trong năm 2018. Đầu năm 2019, tại khu vực quận Hoàn Kiếm, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện và xử lý 2 đối tượng đánh giày, bán bánh rán giá cao.

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch văn minh cho khách du lịch. (ảnh minh họa)


Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng thường xuyên để xảy ra hiện tượng cò mồi, nâng giá, ép giá khách du lịch. Tại những điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Huế…, hiện tượng người bán hàng chèn ép giá du khách đã tạo hình ảnh xấu xí của ngành du lịch trong thời gian qua.

Trước hiện tượng này, cơ quan chức năng ở các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Dù vậy, đến nay, nạn “chặt chém” du khách vẫn là vấn đề “nóng” của ngành du lịch, bởi hiện tượng này vẫn diễn ra như một thách thức đối với cơ quan chức năng.

Theo quan sát của phóng viên HNMO, ở khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần, những hiện tượng chào mời, nài ép du khách mua hàng lưu niệm vẫn diễn ra. Khu vực phố cổ, nơi có rất nhiều khách du lịch lưu trú, vẫn có hiện tượng bán hàng rong chèo kéo du khách.

Trước những hiện tượng này, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi chèo kéo khách du lịch, nâng giá dịch vụ... Tuy nhiên, giải quyết triệt để vấn đề này rất khó vì lực lượng thanh tra, kiểm tra của quận còn mỏng và các cá nhân có hành vi "xấu xí" hoạt động trở lại ngay khi cơ quan chức năng vừa đi khỏi.

Tăng mức phạt, nêu cao ý thức ứng xử

Ngày 21-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó có đề cập đến việc xử lý nghiêm hành vi nài ép khách du lịch. Nghị định này được xem là cơ sở pháp lý hữu hiệu để tăng cường quản lý trong hoạt động du lịch.

Theo Nghị định này, các hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.

Trả lời báo chí, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, ở đâu cũng có hiện tượng xấu, có khác là sự quan tâm và quyết tâm giải quyết vấn đề của mỗi địa phương. Để xử lý dứt điểm, cần cả một quá trình, ngoài các biện pháp xử phạt mạnh, ngành du lịch cũng cần tính tới biện pháp “dài hơi” như: Tuyên truyền quy tắc ứng xử; nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn hình ảnh của địa phương; bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn…

Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long cũng cho rằng, việc tuyên truyền quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch là rất quan trọng. Mỗi cá nhân ứng xử văn minh thì sẽ tạo được môi trường du lịch lành mạnh, văn minh.

Ngày 2-3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử du lịch văn minh nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành hai Quy tắc ứng xử, trong đó Quy tắc ứng xử nơi công cộng nêu rất rõ những việc nên và không nên làm ở những điểm tham quan, di tích.

Để triển khai việc thực hiện môi trường du lịch văn minh, tháng 10-2018, Sở Du lịch Hà Nội cung cấp số tổng đài tư vấn, giải đáp thông tin du lịch (số điện thoại 1800556896) và triển khai thực hiện ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch. Đây được xem là biện pháp thiết thực để tăng cường việc trao đổi thông tin với du khách, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh. 

Như vậy, cùng với việc tăng mức độ xử phạt hành chính, những biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện quy tắc ứng xử ở nơi công cộng được xem là một trong những giải pháp mang tính dài hơi, lâu bền để xây dựng môi trường du lịch văn minh, lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng môi trường du lịch văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.